Đừng để người Việt tự hào hàng Việt… “gốc” ngoại

19/08/2019 10:51

Kinhte&Xahoi Điện thoại thông minh SAMSUNG, bột giặt OMO hay sữa tắm DOVE… đều được sản xuất ở Việt Nam, nhưng nó là sản phẩm của những tập đoàn đa quốc gia. Liệu người Việt có thể tự hào gọi đó là “hàng Việt Nam”? Điều này đòi hỏi Bộ Công Thương phải tính toán kỹ trước khi công bố chính thức Thông tư quy định về hàng Việt trong thời gian sắp tới.

Theo định nghĩa hàng Việt trong Dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương, điện thoại SAMSUNG cũng có thể trở thành hàng Việt

Nên kích thích sức sáng tạo của người Việt 

Trong loạt bài mới đây của PLVN, chúng tôi đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải minh định rõ ràng về sự khác nhau giữa “hàng Việt Nam” và “hàng made in Vietnam”. Thế nhưng qua tìm hiểu, trong Dự thảo Thông tư này của Bộ Công Thương đang quy định 2 khái niệm này là một?

Thực tế, ở Việt Nam đang tồn tại rất nhiều sản phẩm đáp ứng quy tắc xuất xứ “made in Vietnam” thậm chí, sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng đó không phải là hàng Việt như điện thoại thông minh Samsung, máy ảnh Cannon hay các mặt hàng hóa mỹ phẩm của các tập đoàn đa quốc gia như Omo, Dove, Pantene…

Vấn đề mà Báo PLVN đang tập trung “mổ xẻ” được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình khi khẳng định, có những quy định hay quan điểm của Bộ Công Thương dường như đang muốn coi các sản phẩm của các công ty đa quốc gia có nhà máy sản xuất tại Việt Nam (như các sản phẩm của Ulilever, P&G…) là hàng Việt?

Điều này nếu được luật hóa sẽ không kích thích mạnh mẽ sức sáng tạo của người Việt để tạo ra những sản phẩm thuần Việt Nam, phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và từng bước gây dựng thương hiệu để hội nhập với thương mại thế giới. 

Theo quan điểm của Ban soạn thảo Dự thảo Thông tư nói trên, nếu phải bổ sung thêm các tiêu chí như mang thương hiệu Việt, công ty có trên 50% vốn của Việt Nam tiến hành sản xuất (như ý kiến của nhiều chuyên gia)... thì mới được coi là hàng hóa của Việt Nam - có thể sẽ làm xuất hiện tình huống oái oăm là cả thế giới công nhận đó là hàng hóa của Việt Nam, nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận đó là hàng của mình. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, đại diện Ban soạn thảo nói thêm, nhiều sản phẩm xuất khẩu chỉ cần đáp ứng hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam từ 30% trở lên đã được các nước bạn công nhận có xuất xứ Việt Nam. Do đó, theo quan điểm này, miễn là các sản phẩm đáp ứng được tiêu chí mà Dự thảo đưa ra, không cần biết nguồn gốc thương hiệu, sản phẩm đến từ quốc gia nào cũng sẽ được gọi chung là “hàng Việt Nam”.

Như thế, với những quy định về cách xác định hàng Việt hiện nay, Bộ Công Thương đang khiến dư luận cho rằng, Bộ đang muốn biến hàng hóa của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thành hàng Việt? 
 
Doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí?

Điều 4 của Dự thảo Thông tư do Bộ Công Thương đang soạn thảo quy định chỉ cho phép doanh nghiệp ghi nhãn hàng hóa hoàn toàn bằng tiếng Việt như “sản xuất tại Việt Nam”, “chế tạo tại Việt Nam”, “hàng hóa của Việt Nam”... Như vậy,  hàng hóa ghi “made in Vietnam” hoặc trên nhãn hàng hóa hiện nay nhiều doanh nghiệp đang dùng như “sản xuất bởi…” công ty TNHH A, B, C hay “sản phẩm của…” công ty A, B, C… sẽ biến mất hoàn toàn trên thị trường Việt Nam nếu Dự thảo này có hiệu lực. 

Thứ trưởng Khánh giải thích: “Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. Chúng ta là người Việt và không có nhu cầu sử dụng tiếng nước ngoài để giao tiếp với nhau”, Thứ trưởng Khánh nói và cho biết thêm, theo dự thảo Thông tư này, các sản phẩm lưu hành trên thị trường Việt Nam chỉ có thể ghi xuất xứ hàng hóa bằng các cụm từ “sản xuất ở Việt Nam” hoặc “Việt Nam sản xuất” hoặc “sản phẩm của Việt Nam”. 

Nếu Bộ vẫn giữ quan điểm như vậy, sau khi Thông tư này có hiệu lực, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam không được phép ghi “made in Vietnam” - cụm từ đã trở nên quen thuộc trên toàn thế giới và với mỗi một người tiêu dùng Việt Nam.

Thậm chí, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí để thay đổi bao bì sản phẩm khi hiện nay họ đang đa phần sử dụng các cụm từ khác như “sản xuất bởi…” công ty A, B, C hoặc “sản phẩm của...” công ty A, B, C.

Tuy nhiên, vị đại diện Bộ Công Thương khẳng định, Thông tư này không làm phát sinh thêm chi phí đối với doanh nghiệp, bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43/207/NĐ-CP. Nhưng rõ ràng, với nhiều công ty vẫn đang ghi nhãn hàng hóa theo những ví dụ nêu trên thì tới đây sẽ phải thay đổi bao bì nhãn mác khi thông tư này có hiệu lực và rất dễ phát sinh thêm chi phí. 

Dù Bộ Công Thương đã phúc đáp kịp thời những vấn đề đặt ra trong thực tiễn thông qua việc dự thảo và chuẩn bị ban hành Thông tư để điều chỉnh vấn đề xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, với những tình huống và dẫn chứng nêu trên, Dự thảo Thông tư quy định về hàng Việt Nam của Bộ Công Thương dường như vẫn còn khá nhiều điều cần phải tranh luận cho kỹ càng, tránh để trường hợp người Việt Nam tự hào về hàng Việt nhưng kỳ thực đó là sản phẩm, thương hiệu của quốc gia khác. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đội trưởng Đội QLTT số 16: “Các đơn vị kinh doanh nói hàng xách tay, là chiêu trò để đánh lừa người mua”

Theo ông Nguyễn Sĩ Bình, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 16 Quận Long Biên cho biết, vì lợi nhuận các đơn vị kinh doanh này vẫn luôn lén lút buôn bán. Những đơn vị kinh doanh này nói là hàng xách tay, nhưng thực ra đây cũng chính là những lời nói, chiêu trò để đánh lừa người mua tin rằng đây là những mặt hàng chất lượng tốt, giá thành rẻ.

Nguồn: Pháp luật Plus