Đường Nhuệ - Chồng doanh nhân Dương Đường bị tố đánh người ngay tại trụ sở công an

08/04/2020 15:23

Kinhte&Xahoi Chồng bà Nguyễn Thị Dương - nữ doanh nhân Thái Bình mới bị bắt giữ, là ông Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, thường gọi Đường Nhuệ) nhiều năm liền bị tố cáo đã hành hung gây thương tích hai mẹ con ở TP Thái Bình, ngay tại trụ sở công an phường.

Vợ chồng Dương - Đường. Ảnh: FBNV.

Không bất ngờ...

Như báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin, chiều 7/4, Cơ quan CSĐT Công An tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định Khởi tố vụ án "Cố ý gây thương tích" xảy ra ngày 30/3/2020 tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, tổ 22, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình.

Đồng thời Công an tỉnh Thái Bình cũng ra các Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc đối với: Nguyễn Thị Dương (thường gọi Dương Đường, SN 1980, trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, tổ 22, phường Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình), Nguyễn Đức Mạnh (SN 1992, trú tại tổ 6, phường Bồ Xuyên, Thành phố Thái Bình), Phạm Ngọc Quý (SN 2003, trú tại xã Minh Quang, huyện Vũ Thư) để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Khoản 2, Điều 134, Bộ luật Hình sự.

Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao dư luận tại quê lúa Thái Bình, đa số tỏ ra bất ngờ, song nhiều người lại có vẻ không lấy gì làm lạ, thậm chí theo họ chuyện này xảy ra chỉ là "sớm hay muộn mà thôi".

Chồng bị can từng bị tố cáo "Cố ý gây thương tích"

Trước đó, năm 2019, báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn thư của bà Đinh Thị Lý (SN 1964, đăng ký HKTT số nhà 2, ngõ 331, phố Lý Thường Kiệt, tổ 4, phường Trần Lãm, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) tố cáo nhóm người do ông Nguyễn Xuân Đường (thường gọi Đường Nhuệ, chồng Dương, cùng ngụ đường Lê Quý Đôn, tổ 27, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) chỉ đạo đã đánh đập mẹ con bà vào sáng 18/11/2014.

Nghiêm trọng hơn, theo người phụ nữ này trình bày thì sự việc diễn ra ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP Thái Bình. “Lẽ ra trụ sở công an phải là nơi ẩn náu, nơi an toàn với những người dân nhưng trong sự việc này, người dân bị “giang hồ” chửi bới đánh đập ở ngay trụ sở phường mà công an không can thiệp gì”, bà Lý nói.

Theo bà Lý, vào năm 2012 bà Lý có một sự việc khúc mắc tiền bạc liên quan đến người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Thanh Giang (ngụ Hà Nội). Khi hai bên không giải quyết được mâu thuẫn, bà Lý cho rằng chính bà Giang đã "thuê" ông Đường đòi tiền hộ. “Hình ảnh Đường và Giang cùng nhóm người đến trước cửa nhà tôi có máy quay hình ghi lại”, bà Lý cho biết.

Tối 17/11/2014, bà Lý và gia đình từ Hà Nội về căn nhà ở quê tại TP Thái Bình chơi, thì bị nhóm người lạ mặt xăm trổ đến chật nhà dọa dẫm, chửi rủa vô cớ. Bà Lý gọi điện trình báo Công an phường Trần Lãm và Cảnh sát 113 đến chứng kiến, yêu cầu nhóm người này ra khỏi nhà. Suốt đêm đó, nhóm người vẫn tập trung bên ngoài, la hét chửi bới, ném nhiều đồ vật vào nhà bà Lý.

“Họ khống chế xe ô tô nhà tôi ở ngoài đường, không cho bất cứ ai ra ngoài. Sự việc kéo dài đến 7h30 ngày 18/11/2014, tôi mở cửa, Giang đề nghị lên phường giải quyết. Con trai tôi là cháu Mai Thế Duy (SN 1988) chở tôi và Giang đi. Đi sau xe nhà tôi là hai ô tô của nhóm ông Đường, cùng rất nhiều xe máy, kèm ô tô nhà tôi lên phường”.

Theo bà Lý, khi vào phòng tiếp dân Công an phường Trần Lãm, ban đầu có một viên công an xuất hiện, sau đó người này rời đi. “Khoảng 5 - 10 phút sau ông Đường và đàn em đi vào, cử hai người đứng ngoài chắn hai bên cánh cửa”, bà Lý nói.

Đơn của bà Lý tố cáo chi tiết các hành vi, tuy nhiên do sự việc trình bày trong đơn quá khủng khiếp, nên chúng tôi chỉ có thể lược thuật như sau: Bà Lý tố cáo bị ông Đường chửi rủa mạt sát lăng nhục thậm tệ, đánh vào mặt con trai bà Lý, nhổ bọt vào mặt bà Lý, quặp chặt cổ bà Lý dọa giết…

Vẫn lời bà Lý: “Lúc đó cửa phòng tiếp dân hé mở, tôi thấy một chiến sĩ công an nhìn vào song không nói gì. Hai đối tượng đứng giữ cửa khép chặt lại. Ông Đường tiếp tục đánh chửi mẹ con tôi”.

Bà Lý tiếp tục trình bày, sau đó cửa phòng tiếp dân được mở, một cán bộ công an phường đi vào. “Tôi trình báo sự việc vừa xảy ra, anh ấy chỉ vào mặt tôi: “Chị đừng coi đây là cái chợ”. Tôi vẫn trình bày mẹ con tôi vừa bị ông Đường đánh, cán bộ công an phường nói “đánh đâu mà đánh”.

Tới chiều hôm đó, mẹ con bà Lý được đi khám thương, chụp chiếu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Bà Lý bị chấn thương phần mềm và bà cho rằng “đau âm bên trong”. Con trai bà là anh Mai Thế Duy bị vỡ xương hàm mặt, phải mổ và phẫu thuật đóng đinh. Theo bà Lý, kết quả trưng cầu giám định pháp y tại Trung tâm Pháp y Thái Bình thể hiện con bà bị thương tật 15%.

Một ngày sau, gia đình bà Lý tiếp tục bị nhóm “giang hồ” đến chửi rủa, đập phá camera. Bà Lý lúc này tố sự việc đến Công an TP Thái Bình, được mời đến lập biên bản lấy lời khai.

Bà Lý cho rằng đã cung cấp các clip, hình ảnh và sự việc ngay sau khi xảy ra đã được lập biên bản, việc bà và con trai bị thương tích là rất rõ ràng, tuy nhiên phải hơn một tháng rưỡi sau khi xảy ra vụ án, Công an TP Thái Bình mới ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 41 ngày 5/1/2015.

Bất ngờ hơn nữa, 6 tháng sau đó, đến ngày 5/7/2015, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình lại ra Quyết định số 10 tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự nói trên. Văn bản do Thiếu tá Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT ký. Lý do của quyết định này là: Chưa xác định được bị can trong vụ án và đã hết thời hạn điều tra.

Người phụ nữ này bức xúc: “Sự việc có các nhân chứng, vật chứng rõ ràng, xảy ra ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, nhưng CQĐT lại kết luận “chưa xác định được bị can trong vụ án” là vô lý, có dấu hiệu bao che, dung túng tội phạm”.

6 năm trôi qua từ khi xảy ra, vụ việc có dấu hiệu bị “chìm xuồng”, gia đình bà Lý sống trong uất ức bởi nghi phạm cố ý gây thương tích, hành hung, xúc phạm mẹ con bà giữa “thanh thiên bạch nhật” ngay tại trụ sở công an phường vẫn nhởn nhơ; nhưng bà Lý tin rằng kẻ xấu không thể mãi thách thức sự nghiêm minh của pháp luật, nhất định sự việc sẽ được làm rõ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sản xuất, tiêu thụ nông sản thời Covid-19: Cơ hội đẩy mạnh mối liên kết

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp thì vai trò hợp tác xã, doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ hàng hóa, trợ giúp người nông dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc này đang được các đơn vị liên quan đẩy mạnh qua nhiều kênh khác nhau để đồng hành với nông dân, bảo đảm ổn định sản xuất trong tình hình hiện nay.

Thịt lợn: Giá ngoài chợ, “giá trên tivi”

Một thực phẩm chiếm tới 70% cơ cấu bữa ăn gia đình, thịt lợn rất cần đưa vào diện bình ổn giá nếu không muốn tránh sốt giá, tránh khủng hoảng. Thực tế đang cho thấy, có sự chênh lệch lớn mà dân gọi là “giá tivi” và giá ngoài chợ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/duong-nhue--chong-doanh-nhan-duong-duong-bi-to-danh-nguoi-ngay-tai-tru-so-cong-an-d121416.html