EU nới lỏng quy định với mì ăn liền Việt Nam

12/06/2023 18:26

Kinhte&Xahoi Thương vụ Việt Nam tại Bỉ hôm nay (12-6) thông tin, từ ngày 27-6, các mặt hàng mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) sẽ không bắt buộc phải kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

EU nới lỏng quy định đối với mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh minh họa

Cụ thể, ngày 7-6, EU đã đăng công báo Quy định (EU) 2023/1110 ký ngày 6-6-2023 sửa đổi Quy định 2019/1973 về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU. Theo đó, EU đã chính thức đưa các loại mì ăn liền của Việt Nam từ phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%.

Như vậy, kể từ ngày 27-6 tới, các mặt hàng mỳ ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam sẽ không bắt buộc phải kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Cũng tại quy định này, ớt chuông từ Việt Nam vẫn nằm trong phụ lục I với tần suất kiểm tra 50% tại cửa khẩu. Đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20%. Điều này có nghĩa là các mặt hàng nông nghiệp không có thay đổi so với quy định của 6 tháng trước.

Với những nỗ lực của mình, chỉ 6 tháng sau khi EU thông qua quy định kiểm soát khẩn cấp đối với các loại bún, miến, mì của Việt Nam (hiệu lực từ ngày 1-1-2022), Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã thành công trong việc thuyết phục EU đưa bún, miến, các sản phẩm từ gạo ra khỏi danh mục quản lý an toàn thực phẩm và 18 tháng sau thì thành công đưa mì ăn liền từ phụ lục II (kiểm soát theo chứng thư và tại cửa khẩu) sang phụ lục I (kiểm soát tại cửa khẩu).

Tuy nhiên, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân thông tin, việc EU vẫn duy trì kiểm soát tại cửa khẩu với tần suất 20% đòi hỏi Việt Nam luôn phải duy trì tốt kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mì ăn liền.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu mỳ ăn liền của Việt Nam phải liên tục kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, và kể cả xem xét áp dụng các biện pháp tự nguyện như tự xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm uy tín đối với các lô hàng mỳ ăn liền xuất khẩu vào EU.

 Lam Giang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiết bị tiết kiệm điện có như “lời đồn”?

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng diễn ra khắp các tỉnh, thành miền Bắc và một số tỉnh trên cả nước, khiến cho nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng cao, kéo theo lượng điện tiêu thụ tại nhiều gia đình cũng tăng mạnh. Đánh vào tâm lý này, nhiều trang web đã quảng cáo các thiết bị tiết kiệm điện có thể giúp giảm 1/3 đến 1/2 tiền điện hằng tháng.

Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm tích điện tăng mạnh mùa nắng nóng

Trước việc cắt điện cục bộ, nhu cầu mua sắm các sản phẩm quạt sạc tích điện của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng mạnh. Ngoài những dòng truyền thống, trên thị trường giờ còn có loại đa năng tích hợp đèn, thậm chí có cả loại tích hợp pin năng lượng mặt trời.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1066923/eu-noi-long-quy-dinh-voi-mi-an-lien-viet-nam