Cách đây 1 tháng, sau thông tin dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu bùng phát trở lại, không ít người chăn nuôi đã bán gấp để tránh thiệt hại.
Mọi năm vào dịp Tết, nhu cầu thịt lợn tăng từ 10-15% theo dự báo của ngành chăn nuôi. Thế nhưng năm nay, do việc nhập khẩu lợn sống chính ngạch từ Thái Lan và tăng cường nhập thịt đông lạnh từ Nga, Mỹ, Canada,…đã giúp giá lợn không tăng quá mạnh.
Thịt lợn hơi có xu hướng giảm.
Thậm chí, nguồn cung trong nước thời điểm hiện tại cũng đang dồi dào, khiến dân buôn dự đoán giá sẽ giảm trong thời gian tới.
Theo anh Thực, một đầu mối bán buôn tại chợ đầu mối lợn Hà Nam, giá lợn hơi trong sáng nay (22/1) tại chợ chỉ còn 80.000 đồng/kg. Vài ngày, giá lại giảm 2.000 đồng/kg, không còn ở đỉnh 85.000 - 86.000 đồng/kg như cách đây vài hôm.
"Hàng Tết cũng chưa thể khẳng định chắc chắn sẽ giảm 100%, vì còn theo biến động thị trường. Nhưng ngoài lợn chính ngạch nhập từ Thái Lan thì người chăn nuôi trong nước đang bán ra rất nhiều", anh Thực cho hay.
Quyết định nhập lợn từ Thái Lan thay vì mua lợn hơi trong nước vì theo anh Thực, lợn từ Thái về đói do quá trình chuyển xe nên lúc bán sẽ có lợi hơn.
Giá bán lẻ chưa tác động nhiều sau tin giảm giá lợn hơi.
Giá giảm một phần, theo anh Vũ Linh, một tiểu thương kinh doanh lợn tại Hà Nội là bởi, lợn trong nước đang bị người chăn nuôi ghìm một thời gian, giờ mới tung ra bán Tết. Nguồn cung nhiều, bán lại chững nên giá đang bắt đầu chớm hạ.
Lợn hơi cách đây vài hôm anh Linh nhập vào có giá 85.000 đồng/kg, nay đã giảm 2 giá. Thịt móc hàm dao động từ 110.000 - 112.000 đồng/kg. Dù giảm nhưng giá bán hiện tại đã tăng khoảng 10 giá so với cách đây hơn 1 tháng.
Giá bán lẻ thịt 3 chỉ và sườn khoảng 150.000 đồng/kg, trong khi các phần khác chỉ khoảng 130 nghìn đồng/kg.
Khu vực miền Trung, giá lợn hơi dao động trong khoảng 81.000 - 84.000 đồng/kg. Thanh Hóa là địa phương ghi nhận giá thu mua cao nhất, lên tới 84.000 đồng/kg.
Thế Hưng - Theo Dân Trí