Giá điện sẽ tăng trong năm 2019

01/12/2018 09:17

Kinhte&Xahoi TKV muốn tăng giá bán than cho nhiệt điện lên 5%, gây áp lực tăng giá điện lên Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ngày 30/11, tại buổi công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết một số yếu tố làm tăng chi phí sản xuất điện như than, giá dầu, thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tỉ giá… làm áp lực tăng giá điện trong thời gian tới.

Xây dựng kế hoạch tăng giá điện

Theo Cục Điều tiết điện lực, năm 2017 sản lượng điện thương phẩm thực hiện gần 175 tỉ KWh, doanh thu bán điện đạt gần 290.000 tỉ đồng. Tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện gần 291.300 tỉ đồng, trong đó khâu phát điện chiếm tỉ trọng lớn nhất, trên 220.910 tỉ đồng; truyền tải gần 18.000 tỉ đồng; phân phối - bán lẻ xấp xỉ 51.250 tỉ đồng. Như vậy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667 đồng/KWh, tăng 0,15% so với năm 2016. Không tính tới thu nhập từ sản xuất khác thì EVN lãi hơn 2.792 tỉ đồng trong năm 2017.

Bên cạnh việc tăng công suất, ngành điện thường xuyên cải tạo lưới điện để nâng cao hiệu quả cung cấp điện. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương và EVN đang đánh giá tác động của việc tăng giá điện đối với sinh hoạt của người dân, đối với sự tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đặc biệt đối với những lĩnh vực sản xuất sử dụng điện lớn như xi măng, sắt thép. Từ đánh giá này bộ sẽ báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Điều hành giá để xây dựng kế hoạch tăng giá điện trong năm 2019. "Chi phí làm giá điện tăng từ 3% trở lên sẽ được quyền điều chỉnh. Nếu tăng 3% - 5% thì EVN sẽ được tự quyết việc điều chỉnh; tăng 5% - 10% thì Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh còn nếu trên 10% hay vượt khung giá sẽ phải xin ý kiến Thủ tướng" - ông Tuấn nói.

Xử lý vấn đề than cho nhiệt điện

Liên quan đến việc Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh "đói" than cho sản xuất, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc có phương án cấp đủ than cho ngành điện đồng thời xem xét nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu sản xuất. "Việc tăng giá than sẽ ảnh hưởng đến giá thành kinh doanh điện, gây áp lực lên ngành điện" - ông Tuấn nhấn mạnh và nhận định các nhà máy nhiệt điện sẽ ký hợp đồng dài hạn với TKV, Tổng Công ty Đông Bắc để chủ động trong sản xuất.

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, nêu thực trạng thời gian qua một loạt nhà máy như Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Thái Bình 1, nhiệt điện Thăng Long đi vào vận hành, nhu cầu sử dụng than tăng cao. "Theo kế hoạch, năm 2019 EVN cần 54 triệu tấn than tuy nhiên TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp thiếu 8 triệu tấn. Chúng tôi đã thống nhất các đơn vị thuộc EVN sẽ chủ động nhập khẩu 4 triệu tấn, 4 triệu tấn còn lại TKV sẽ nhập khẩu, sau đó kê khai giá bán và bán lại cho EVN. Vấn đề về than cho nhiệt điện sẽ được xử lý triệt để" - ông Tri khẳng định.

Cũng theo ông Tri, EVN đã lập hồ sơ mời thầu để nhập khẩu than theo giá thị trường cho số than thiếu. Trong khi đó, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc vừa có bảng giá chào hàng áp dụng từ 5-12-2018 gửi EVN. "Theo bản chào hàng này thì giá than sẽ tăng 5%, thời gian tới chúng tôi sẽ hiệp thương để báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Giá than tăng thì chắc chắn giá điện cũng sẽ tăng"- ông Tri nhấn mạnh.

Phó tổng giám đốc EVN nhìn nhận tăng trưởng điện luôn đạt mức 10% đã gây áp lực rất lớn cho ngành điện. EVN sẽ bảo đảm công suất trong năm 2019 và 2020. Mặc dù vậy, nếu không có các giải pháp căn cơ có nguy cơ thiếu điện sau năm 2020.

Cũng theo ông Tri, điện mặt trời đang được đầu tư tại Ninh Thuận, Bình Thuận… nhưng gặp khó khăn trong việc truyền tải. "Việc bổ sung quy hoạch, làm thêm đường dây triển khai chậm, giải phóng mặt bằng cũng chậm, không kịp truyền tải cho các nhà máy điện mặt trời" - ông Tri nêu khó khăn. 

Người dân có thể bán điện cho EVN

Lãnh đạo EVN kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh giải pháp điện mặt trời áp mái. Theo đó, mỗi gia đình có thể lắp đặt điện mặt trời công suất 3-10 KW trên mái nhà, phù hợp với lưới điện hạ thế, không phải đầu tư thêm lưới truyền tải mà vẫn chủ động được nguồn điện cho các thiết bị gia đình. Ngoài ra, khi lượng điện này không sử dụng, tự động lưới điện của EVN tiếp nhận hết, có công tơ 2 chiều để đo, người dân có thể bán điện này cho EVN. 


Theo Người lao động/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM