Giá rau quả liên tục tăng từ sau Tết khiến người tiêu dùng đau đầu mỗi lần ra chợ.
Mấy tuần nay, giá nhiều mặt hàng liên tục tăng trong khi thu nhập sút giảm khiến chị Lê Thu Hương (ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) buộc phải thay đổi cách chi tiêu.
“Thay vì mua sắm đồ tươi sống tại chợ gần nhà, tôi nhờ mẹ mua rau củ, thịt cá ở quê trữ tủ lạnh ăn cả tuần để bớt tốn kém”, chị Hương chia sẻ.
Khác với chị Hương, chị Trang Anh (ở quận Long Biên) lại lựa chọn mua sắm hàng hóa thiết yếu ở siêu thị. “Giá hàng hóa ở siêu thị gần như không tăng, lại liên tục có các chương trình khuyến mại. Để giảm chi tiêu, tôi mua lượng lớn dùng dần sẽ rẻ hơn đáng kể so với mua lượng nhỏ như trước đây”, chị Trang Anh nói.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại nhiều hệ thống siêu thị, hàng hóa hầu như không tăng giá trong khi nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được triển khai. Theo đại diện các hệ thống siêu thị lớn, để có được sự bình ổn giá cả, các siêu thị đều đang nỗ lực đàm phán với các nhà cung cấp không tăng giá.
Giám đốc Siêu thị MM Mega Market Hoàng Mai Tạ Trung Hiếu thông tin, nhằm tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng, doanh nghiệp đang làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để trì hoãn việc tăng giá, hoặc có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất có thể cho khách hàng. Hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+ cũng cam kết giữ giá bình ổn.
“Không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa dẫn tới tăng giá bán. Chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ luôn bảo đảm cung ứng khối lượng hàng hóa đầy đủ thuộc mọi ngành hàng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu luôn đạt 100% dung lượng trên quầy kệ và kho lưu trữ”, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc vận hành VinMart miền Bắc khẳng định.
Đại diện AEON Việt Nam cũng khẳng định, sẽ không có trường hợp giá cả tăng đột biến xảy ra tại hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON. Hiện doanh nghiệp đang làm việc với các nhà cung cấp để tiếp tục bình ổn giá cả hàng hóa trong thời gian tới.
Trong khi giá chợ dân sinh tăng cao, giá hầu hết hàng hóa tại các siêu thị đều bình ổn.
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố từ sau Tết đến nay, giá nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục ở mức cao và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Cụ thể như: Bắp cải từ 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/mớ. Các loại rau khác trước đây được bán bình quân với giá 8.000 đồng đến 10.000 đồng/bó, nay tăng thêm 2.000 đồng đến 3.000 đồng/bó. Không chỉ mặt hàng rau, giá thịt lợn, cá, tôm cũng tăng nhẹ. Hiện, thịt nạc vai lên tới 150.000 đồng/kg; thịt sấn 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước. Gà ta nguyên lông cũng tăng giá 10.000 đồng/kg, với giá bán từ 130.000 đồng đến 150.000 đồng/kg.
Nhiều tiểu thương cho biết, do chợ đầu mối bán giá cao nên buộc phải bán lẻ giá cao. Tuy nhiên, chỉ xét riêng với mặt hàng thịt lợn có thể thấy đang diễn ra nghịch lý. Đó là trong khi giá lợn hơi liên tục giảm, ở mức hơn 50.000 đồng/kg, thì giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ vẫn rất cao.
Trước thực tế giá nhiều loại hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu như thịt lợn, rau xanh tăng cao, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chỉ rõ, tuy giá xăng dầu tăng ảnh hưởng phần nào tới giá cả các mặt hàng, nhưng phân tích kỹ có thể thấy tác động không quá lớn như thực tế đang diễn ra. Tốc độ tăng của giá xăng không cao và nhanh như tốc độ tăng giá của nhiều loại hàng hóa.
“Sự lan tỏa của yếu tố tâm lý trước thực tế giá xăng tăng cao khiến giá hàng hóa tăng theo. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc giá tăng do người bán “làm giá” cao kiểu “té nước theo mưa”. Việc giá hàng hóa tăng cao lần này không giống như những lần lạm phát trước đây, hàng hóa khan hiếm khiến giá cả leo thang. Hiện, hàng hóa rất dồi dào trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập hạn chế”, ông Minh Phong phân tích. Do đó, theo chuyên gia này, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây lũng đoạn thị trường.
Nghịch lý giá lợn hơi giảm trong khi giá thịt lợn tại các chợ vẫn cao cần được xem xét.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, đây là lúc ngành chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp bình ổn giá, bảo đảm kiểm soát thị trường, trong đó, cần tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là tại các khu công nghiệp, khu dân cư đông người.
Lam Giang - Hà Nội mới