Giá hàng hóa, thực phẩm không “té nước" theo xăng

07/09/2023 09:07

Kinhte&Xahoi Ảnh hưởng từ thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều chỉnh ngày 5-9 tăng nhẹ. Cụ thể, giá xăng tăng cao nhất là 270 đồng/lít (lần tăng thứ 6 liên tiếp), giá dầu tăng cao nhất 505 đồng/lít.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Winmart Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy).

Trước đây, cứ sau mỗi đợt tăng giá xăng dầu, lập tức mặt bằng giá cả thị trường sẽ bị đẩy tăng theo. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên trong đợt tăng giá này cho thấy, giá các mặt hàng thiết yếu tại các chợ và siêu thị trên địa bàn Hà Nội vẫn ổn định.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, một trong những nguyên nhân khiến đợt tăng giá xăng dầu mới này không tác động nhiều đến giá cả là do hàng hóa cung ứng rất dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối với 21 tỉnh, thành cung cấp nguồn thực phẩm sạch từ 159 chuỗi liên kết đã duy trì hiệu quả trong thời gian qua.

“Song song với đó, thành phố cũng đẩy mạnh hỗ trợ triển khai hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành nhằm tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là những thời điểm xảy ra dịch bệnh, thiên tai”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin.


Khảo sát tại các chợ cho thấy, giá các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống ổn định, không có dấu hiệu nâng giá. Chị Lê Thị Mỹ (bán hàng rau, củ ở chợ dân sinh Nguyễn Thị Thập, quận Thanh Xuân) cho hay, khi giá các mặt hàng rau, củ nhích nhẹ là do khan hiếm nguồn hàng chứ không phải do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng, vì thế nếu nguồn cung dồi dào, giá sẽ trở lại như cũ. Hiện, bắp cải, bí xanh có giá 13.000-15.000 đồng/kg, cải xanh 12.000-14.000 đồng/kg…

Giá các loại thực phẩm, hải sản cũng chưa có dấu hiệu biến động. Giá thịt lợn dao động từ 90.000-180.000 đồng/kg (tùy loại), thịt bò từ 220.000- 280.000 đồng/kg, cá thu 200.000-260.000 đồng/kg…

Theo lý giải của tiểu thương tại các chợ dân sinh, hiện giá các mặt hàng thiết yếu không tăng như các lần xăng tăng giá trước đây vì mặt bằng giá đã đứng ở mức cao, trong khi sức mua yếu. Càng tăng giá thì càng ế ẩm, bởi người tiêu dùng sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu. Xu thế chung trong thời điểm hiện tại là các đơn vị kinh doanh và tiểu thương bán lẻ đều chấp nhận giảm lãi, ổn định thị trường để giữ chân khách hàng.

Trong khi đó, giá các mặt hàng tại siêu thị không chỉ ổn định, mà còn có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn. Đại diện các siêu thị lớn như Central Retail, BRG/Hapro Mart, AEON Mall, Winmart, Co.opmart… đều cho biết, hiện chưa có nhà cung cấp nào thông báo sẽ tăng giá các mặt hàng thiết yếu sau đợt tăng giá xăng dầu lần này.

Chia sẻ với phóng viên, bà Đỗ Tuệ Tâm - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, do siêu thị thường ký hợp đồng cung ứng hàng hóa từ đầu năm nên giá xăng tăng tạm thời không ảnh hưởng đến hợp đồng cung cấp sản phẩm. Để kích cầu thị trường, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, thời gian tới, các siêu thị tiếp tục đẩy mạnh nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, là đơn vị thành viên của Hapro, bà Đỗ Tuệ Tâm cho biết, những tác động dù trực tiếp hay gián tiếp của đợt tăng giá xăng dầu này đều khiến doanh nghiệp thêm khó khăn.

“Khó có thể tăng giá bán sản phẩm trong tình hình hiện nay khi sức mua chưa có dấu hiệu cải thiện, lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp vẫn ở mức cao. Với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu thì việc tăng giá bán sản phẩm càng khó có thể thực hiện được, vì nhiều hợp đồng xuất khẩu đã ký tới cuối năm 2023 với mức giá ấn định”, bà Đỗ Tuệ Tâm phân tích.

Để khắc phục khó khăn này, nhiều đơn vị thành viên của Hapro đã thay đổi quy trình sản xuất, máy móc, công nghệ, đặc biệt là tận dụng những công nghệ ít sử dụng tiêu hao năng lượng, thậm chí tính toán phương án vận chuyển hai chiều để không lãng phí; đẩy mạnh liên doanh, liên kết để tận dụng lợi thế của nhau nhằm tiết giảm chi phí xăng dầu...

Thường xuyên đi siêu thị mua hàng, chị Nguyễn Ngọc Lan (phố Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Tôi thường mua thực phẩm, trái cây tươi tại siêu thị gần nhà. Mặc dù đợt này xăng dầu có tăng giá nhưng giá thực phẩm tại siêu thị vẫn ổn với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn”.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, dù xăng dầu tăng giá gây áp lực lên các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhưng giá hàng hóa không thể điều chỉnh tức thì mà phải có độ trễ nhất định sau khi siêu thị tiêu thụ lượng hàng cũ, nhập lô hàng mới.

 Thanh Hiền - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/gia-hang-hoa-thuc-pham-khong-te-nuoc-theo-xang-640171.html