Giả mạo cán bộ Công an, yêu cầu bà lão chuyển 600 triệu vào tài khoản

31/07/2023 09:28

Kinhte&Xahoi Bà T. nhận được một cuộc điện thoại tự xưng là cán bộ Công an huyện Đ.T. thông báo bà có liên quan đến 1 vụ án ma túy...

Chiều 28/7, bà Hoàng Thị T., trú tại thôn Trẫm Bàng, xã Tân Dân (Đức Thọ - Hà Tĩnh) đến Phòng giao dịch Đức Lạc thuộc Agribank Chi nhánh huyện Đức Thọ làm thủ tục rút tiền tiết kiệm để chuyển cho con trai đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội.

Phát hiện thấy sổ tiết kiệm có số dư rất lớn (600.000.000 đồng) chưa đến hạn rút nên giao dịch viên Lê Thị Nga tư vấn cho bà Tam là dùng sổ tiết kiệm để vay cầm cố chứ không rút tiền (nếu rút tiền trước thời hạn thì lãi suất sẽ áp dụng gửi tiết kiệm không kỳ hạn, thiệt thòi cho khách hàng). Mặc dù đã được cán bộ ngân hàng tư vấn nhưng bà T. một mực rút tiền để chuyển cho con trai.

Nhân viên ngân hàng kịp thời ngăn vụ lừa đảo tinh vi - ảnh BHT

Phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ, giao dịch viên Lê Thị Nga đã báo cáo sự việc với lãnh đạo Phòng Giao dịch để làm việc trực tiếp với bà. Sau khi được trấn an, động viên, bà T. mới tiết lộ, vào trưa 28/7, bà có nhận được một cuộc điện thoại tự xưng là cán bộ Công an huyện Đ.T. thông báo bà có liên quan đến 1 vụ án ma túy và Cục Cảnh sát phòng chống ma túy - Bộ Công an đã gửi thông tin liên quan về Công an huyện.

Sau đó, bà T. liên tục nhận được điện thoại gọi đến từ nhiều số khác nhau đe dọa và yêu cầu bà nếu muốn không bị khởi tố bắt giam thì có bao nhiêu tiền thì rút hết và chuyển vào số tài khoản Vietcombank: 1038370820 mang tên Trần Thanh Sơn (theo các đối tượng ông Sơn hiện công tác ở Bộ Công an, có thể lo được cho bà T.).

Các đối tượng còn dặn bà T. là trong quá trình rút và chuyển tiền, nếu ngân hàng hoặc người thân hỏi thì nói là chuyển cho con trai ở Hà Nội.

Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Phòng Giao dịch Đức Lạc - Chi nhánh Agribank Đức Thọ đã ngừng giao dịch và báo cho Công an huyện Đức Thọ.

Thời gian gần đây, chiêu trò này xuất hiện khá nhiều. Theo đó, các đối tượng thường sử dụng để chiếm đoạt tiền của khách hàng, nhất là khách hàng lớn tuổi, có tâm lý cả tin hoặc ở vùng nông thôn. Người dân cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ hay xác minh rõ mới thực hiện các giao dịch.

 Thành Nam - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng Việt Nam chất lượng cao thu hút người tiêu dùng

Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng… là những giải pháp hiệu quả đang được các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội tích cực thực hiện...

Hà Nội đẩy mạnh truy quét vi phạm an toàn thực phẩm

Từ đầu năm 2023 cho đến nay, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

link bài gốchttps://www.phapluatplus.vn/xa-hoi/gia-mao-can-bo-cong-an-yeu-cau-ba-lao-chuyen-600-trieu-vao-tai-khoan-d196792.html