Giá thực phẩm online tăng, người dân thắt chặt chi tiêu mùa dịch

18/08/2021 15:00

Kinhte&Xahoi Hà Nội đã bước sang tuần thứ 4 thực hiện giãn cách xã hội, trong khi đó giá thực phẩm bán online đang tăng chóng mặt dù nguồn cung vẫn đảm bảo. Nhiều gia đình buộc phải thắt chặt chi tiêu để đảm bảo cuộc sống trong mùa dịch.

Thực phẩm online tăng giá chóng mặt

 Khảo sát tại một số chợ online trên các nhóm khu chung cư như: Chợ cư dân CT4, CT5, CT6 khu đô thị Hồng Hà Eco City; Chợ cộng đồng khu Trung Hòa - Nhân Chính; Chợ dân cư Đại Thanh - Xa La… rất nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá.

Các mặt hàng tăng giá chủ yếu là trứng, thịt gia súc, gia cầm… Cụ thể, giá trứng gà tăng 45 nghìn đồng/chục, gà ta nguyên lông trước dịch giá 100.000 đồng/kg thì nay tăng lên 140.000 - 150.000 đồng/kg. Thịt lợn có giá 150.000-180.000 đồng/kg. Rau muống từ 5.000 đồng tăng lên 10.000 đồng/mớ, bí xanh 25 nghìn đồng/kg, hành lá tăng lên 35.000 đồng/kg...

Thịt gia cầm tại nhiều chợ online tăng giá

Chị Trần Hoài An (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, do tình hình dịch bệnh tại Hà Nội diễn biến phức tạp nên chị không dám đi siêu thị hay chợ truyền thống để hạn chế tập trung đông người. Chị An ưu tiên đặt mua qua mạng nhưng giá nhiều mặt hàng và phí ship đều tăng.

“Lúc trước khi giãn cách, trứng gà ta mua khoảng 30.000 đồng/chục, nay lên 45.000 đồng. Các loại hải sản, hoa quả cũng tăng, chưa kể tiền ship lên đến 35 - 40 nghìn đồng".

Còn chị Đặng Thị Nga (ở quận Long Biên, Hà Nội) thông tin: “Tuần trước tôi mua thịt vịt làm sạch 60 nghìn đồng/kg. Mấy hôm nay giá đã lên 80 nghìn đồng/kg. Trứng gà, rau xanh cũng tăng mạnh”.

Ngoài các loại thực phẩm tươi sống, mặt hàng thực phẩm chín cũng tăng giá theo. Đơn cử như các món ăn chay phục vụ rằm tháng Bảy. Nhiều nơi ngừng phục vụ, nơi chỉ hạn chế nhận đơn từ khách quen, không nhận khách lạ.

Một nhà hàng chuyên bán đồ ăn chay online cho biết, năm nay dịch bệnh, thực phẩm tăng giá nên buộc phải tăng giá theo. Ngại nhất là việc giao hàng online dịp này khó khăn. Hiện phí ship khá cao, đặt trên app có đơn 50.000-60.000 đồng, ở nơi xa như Long Biên thì phí ship tăng 100.000-120.000 đồng, nếu khách đặt thì phải chấp nhận trả khoản phí ship này.

Giá tăng do khâu vận chuyển

Theo các tiểu thương, có nhiều nguyên nhân khiến hàng hóa ở chợ online tăng giá. Ngoại trừ mặt hàng trứng do khan hiếm nguồn hàng, các loại thực phẩm, rau xanh tăng giá còn do khâu vận chuyển vào nội thành khá khó khăn, một số chợ đầu mối tạm đóng cửa vì có ca lây nhiễm.

Thịt gia cầm tại nhiều chợ online tăng giá

Lí giải về việc tăng giá vịt, một tiểu thương bán hàng tại chợ online Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, nguyên nhân do nhập hàng khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao nên buộc phải tăng giá mới có lãi.

Một số tiểu thương khác cho biết, do dịch bệnh Covid-19, việc lấy hàng hiện nay rất khó khăn, kèm theo phải có nhiều loại giấy tờ, thủ tục. Người bán hàng phải test Covid-19 với tần suất 3 ngày/lần cùng các chi phí bảo hộ, sát khuẩn… khiến giá thành hàng hóa tăng từ đầu mối chợ nông sản đến bán lẻ. Thêm vào đó, do phải qua nhiều trạm kiểm soát, một số mối hàng nghỉ không giao hàng nên giá đội lên.

Giá thực phẩm tăng cao trong khi thời gian giãn cách kéo dài, nhiều gia đình không có thu nhập khi phải ở nhà khiến cuộc sống thường ngày trở nên khó khăn.

Chị Lê Thị Điệp (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Dịch bệnh không đi làm được, không có thu nhập, giá các mặt hàng tăng nên gia đình phải thắt chặt chi tiêu để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Không chỉ lo vấn đề tăng giá, nhiều người dù lo sợ về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm… nhưng do sự thuận tiện của việc mua bán online trong mùa dịch nên vẫn tặc lưỡi mua.

Chị Nguyễn Thị Lan (lao động tự do tại Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) cho hay: “Vẫn biết mua hàng online nhiều khi không đảm bảo nhưng mùa dịch này chỉ cần có thực phẩm và lo đủ tiền trang trải các khoản sinh hoạt hàng ngày là mừng rồi”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 127 siêu thị chủ yếu tập trung tại các quận nội thành. 458 chợ, trên 1.800 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, 128 chuỗi kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm... hầu hết đều được mở cửa phục vụ người tiêu dùng, Giá hàng hóa tại các siêu thị đều ổn định.

Một số chợ có biểu hiện tăng giá là do tự phát, một phần do các chi phí phát sinh. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công thương Hà Nội sẽ phối hợp đẩy mạnh kiểm tra, xử lý.

 Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội đảm bảo kết nối, cung ứng thủy sản phục vụ Nhân dân

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp Hà Nội chủ trương duy trì ổn định vùng nuôi trồng thủy sản, kết hợp tăng cường kết nối tiêu thụ với các tỉnh, thành phố lân cận. Nhờ đó, nguồn cung mặt hàng này cơ bản đảm bảo tiêu dùng cho người dân Thủ đô.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/gia-thuc-pham-online-tang-nguoi-dan-that-chat-chi-tieu-mua-dich-174125.html