Giải pháp giúp Bình Dương kiểm soát tốt hơn dịch bệnh Covid-19 hiện nay?!

15/08/2021 17:36

Kinhte&Xahoi Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Bình Dương đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”...

Bộ Y tế thị sát phòng theo dõi bệnh qua hệ thống camera, tại Bệnh viện dã chiến ICU Bình Dương, chiều 12/8. Ảnh: Vnexpress.

Nâng cao năng lực điều trị, đề nghị phân bổ thêm vaccine

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, việc phân tích số liệu cho thấy, số ca mới mắc Covid-19 tăng mạnh từ ngày 29/7 đến ngày 4/8, nhưng sau đó có giảm xuống từ ngày 5/8 đến ngày 8/8. Tuy nhiên, các ca mắc có dấu hiệu tăng trở lại trong những ngày các địa phương đang triển khai xét nghiệm diện rộng đợt 2.

Cụ thể, từ ngày 2/8 đến nay, Bình Dương lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 - test nhanh và PCR cho 257.002 người, ghi nhận 8.054 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Các huyện, thị đang có hơn 5.600 ca dương tính với SARS-CoV-2 qua test nhanh và đang chờ xét nghiệm khẳng định.

Với hơn 29.000 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung thì để đưa Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới vào đầu tháng 9, địa phương này đang triển khai nhiều giải pháp kéo giảm số ca chuyển nặng, nâng số ca xuất viện. Bình Dương đã xây dựng 4 bệnh viện, 16 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 và bổ sung nhiều thiết bị y tế hiện đại. Việc điều trị đang được triển khai theo mô hình “tháp 3 tầng”, tức là bệnh nhân nhẹ, trung bình và nặng.

PGS TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Bộ Y tế.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được Bộ Y tế chỉ định làm Giám đốc Y khoa Bệnh viện dã chiến ICU Bình Dương) cho biết, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh Bình Dương cần huy động thêm lực lượng y, bác sĩ hỗ trợ. Bởi số lượng bệnh nhân đông nhưng số bác sĩ, điều dưỡng lại “nhỏ giọt” sẽ khó cho công tác điều trị.

“Bệnh viện huyện đã triển khai kỹ thuật cao như thở HFNC (thở máy oxy dòng cao), thở Xinap, dùng thuốc rất sớm cho người bệnh... là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân ngày càng tăng cao khiến các bệnh viện tầng 2 của tỉnh đang quá tải, chúng ta phải tìm mọi cách nâng cao thêm số giường ở bệnh viện tuyến huyện, mở thêm bệnh viện tuyến huyện để giảm tải cho bệnh viện tỉnh, bệnh viện tầng 3.”, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Theo PGS.TS Hiếu, các bệnh nhân sẽ biến chứng hoặc trở nặng, phải thở máy - theo chu kỳ diễn biến của virus, tạo sức ép lên hệ thống điều trị. Việc này cũng giống như TP HCM cách đây 2 tuần, đi từ giai đoạn ủ bệnh, đến toàn phát và bệnh nặng. Tỷ lệ F0 nặng tăng kéo theo tỷ lệ tử vong tăng, nên ngành y tế phải xác định F0 ngay từ đầu để có phương án, phác đồ điều trị tương xứng. Tuy nhiên, số F0 quá lớn khiến việc phân loại dựa trên những triệu chứng hiện khá ít ỏi. "Phải thật cảnh giác để kiểm soát số ca tăng lên mỗi ngày", ông Hiếu nói.

Hiện, Bình Dương đã sử dụng hết 544.060 liều vaccine (từ đợt 1 đến đợt 16) do Bộ Y tế phân bổ. Song song với việc điều trị, tỉnh này cũng đang quyết liệt đẩy mạnh tiêm vắc xin cho hơn 2,6 triệu dân. Chỉ trong một thời ngắn, số vắc xin phòng Covid-19 Bộ Y tế phân bổ đã được tỉnh tiêm hết cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, trước tình trạng thiếu vắc xin, tỉnh vừa có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế kiến nghị được phân bổ thêm 1 triệu liều (trước đó khoảng 570 ngàn liều) để đảm bảo thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin “thần tốc”, mục tiêu của tỉnh là mỗi ngày tiêm được 100 ngàn liều.

Bệnh viện dã chiến quy mô 5.300 giường tại tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương)

Mục tiêu trở về trạng thái bình thường mới

Theo kế hoạch lộ trình mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã vạch ra, Bình Dương phấn đấu sớm kiểm soát được dịch bệnh để trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 1/9/2021. UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu chấn chỉnh việc thực hiện giãn cách xã hội tại các khu vực phong tỏa nhằm giảm số ca lây nhiễm trong khu vực. 

Tính từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, đến nay Bình Dương ghi nhận 41.621 ca mắc COVID-19; 341 bệnh nhân tử vong. Hiện tại, toàn tỉnh có 10.672 bệnh nhân đang được điều trị; trong đó có 2.676 ca có triệu chứng, 1.376 bệnh nhân có bệnh nền và 637 bệnh nhân chuyển nặng.

Để trở lại trạng thái bình thường mới không chỉ có nỗ lực của các cấp, các ngành mà phải có sự chung sức, đồng lòng của người dân. Bình Dương quyết tâm không để dân thiếu thốn, đói khổ trong thời gian này để họ yên tâm cùng chính quyền dập dịch. Làm được điều này, chính quyền đã đưa ra các chính sách hỗ trợ, mặt trận tổ quốc và đội phản ứng nhanh ở 91 xã, phường, thị trấn liên tục chuyển hàng hóa xuống tận phòng trọ cho người lao động. 

Theo đó, Bình Dương đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tăng tốc để kiểm soát dịch bệnh thông qua phương pháp phân vùng đỏ, vùng vàng, vùng xanh và chia thành những khu vực nhỏ để xét nghiệp truy tìm F0 trong cộng đồng. Mục tiêu là khẩn trương khoanh vùng thu hẹp vùng đỏ để mở rộng vùng xanh an toàn.

Hôm qua (ngày 14/8), UBND tỉnh ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai lực lượng phản ứng nhanh tới khu phố, ấp, nhất là đối với vùng đỏ; phải cơ động nhanh, lực lượng, phương tiện ở Trung tâm Phản ứng nhanh của tỉnh để hỗ trợ thành phố Thủ Dầu Một, cũng như chi viện cho các địa phương khác khi cần thiết.

Theo đó, tỉnh yêu cầu đội phản ứng nhanh cần có nhân viên y tế đi cùng để tư vấn, kết nối với bác sĩ và bệnh viện khi cần. Tổng đài 1022 cũng làm nhiệm vụ ghi nhận qua đường dây nóng để điều phối chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện.

Bình Dương nỗ lực xanh hóa vùng đỏ. Trong hình là biển đánh dấu vùng xanh ở Thủ Dầu Một (địa phương được xác định vùng đỏ)

Vừa qua, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh, phải quan tâm hơn nữa đến lao động nghèo. Song song đó phải tư vấn, chăm sóc sức khỏe các trường hợp F0, F1 đang được điều trị, cách ly tại nhà để họ cảm thấy không bị bỏ rơi, yên tâm chăm sóc sức khỏe để nhanh chóng hồi phục, đồng lòng vượt qua đại dịch.

"Hiện nay, hơn 50.000 F1 đã về địa phương, chỉ còn 1 số đơn vị còn giữ lại 1.000-2.000, sắp tới hơn 10.000 F0 sẽ về địa phương. Phải thực hiện được nhiệm vụ ứng cứu khi họ trở bệnh nặng. Người dân đói kém chúng ta phải đưa hàng hóa tới tận nơi, mặc cho đêm, ngày. Chúng ta phải thực hiện an ninh trật tự, quản chặt ở cơ sở” - ông Nguyễn Văn Lợi nói.

Riêng việc tổ chức sản xuất phải đảm bảo “nhà trọ xanh, công nhân xanh và nhà máy phải sạch” thì mới cho phép tổ chức hoạt động sản xuất. Trong điều kiện vắc xin chưa đủ để tiêm cho toàn bộ người dân, công nhân lao động thì giải pháp đặc biệt quan trọng để giữ được “vùng xanh”, giữ được các nhà máy xanh, đòi hỏi công tác kiểm soát phải chặt, tăng cường xét nghiệm. 

Về chính sách xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các địa phương khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Hiện, HĐND tỉnh Bình Dương cũng vừa thông qua nghị quyết hỗ trợ cho người ở trọ với mức 500 ngàn đồng/người. Ngoài ra, nhiều nhóm đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng được hỗ trợ trong đợt này.

Như vậy, có thể thấy tỉnh Bình Dương đang đưa những biện pháp nhằm kiểm soát dịch Covid-19. Mong rằng thời gian tới đây, với những chiến lược đề ra, tỉnh Bình Dương sẽ sớm trở về trạng thái bình thường mới như mục tiêu đề ra.

Chậm khẳng định kết quả xét nghiệm PCR, không kịp thời bóc tách F0 

Theo thông tin trên Báo Tiền Phong, Bình Dương đang tồn tại một số bất cập có ảnh hưởng rất lớn trong công tác phòng, chống dịch. Đầu tiên phải kể đến là thủ tục công bố kết quả xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 triển khai khá chậm.

Lý do dẫn đến tình trạng này, do toàn tỉnh Bình Dương chỉ có CDC Bình Dương và Bệnh viện đa khoa tỉnh này được phép công bố khẳng định kết quả RT-PCR. Điều này làm cho Bình Dương bị động suốt thời gian qua, hầu hết các trường hợp xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính nhưng chờ kết quả xét nghiệm khẳng định phải đợi đến 3 ngày thậm chí lâu hơn.

Đơn cử như một trường hợp người phụ nữ ở trọ tại TX Tân Uyên, test nhanh kháng nguyên có kết quả dương tính từ ngày 7/8 nhưng đến ngày 10/8 người này tử vong vẫn chưa có kết quả PCR. Chính điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm do các F0 không được cách ly, không được “bóc tách” ra khỏi cộng động kịp thời.

Thực tế cho thấy, tại Bình Dương có hệ thống y tế tư nhân với nhiều bệnh viện hiện đại, được các chuyên gia y tế của Bộ Y tế đánh giá cao. Các bệnh viện dã chiến hiện đại, quy mô lớn đã tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch, hàng ngàn bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi, xuất viện chia lửa cho bệnh viện công lập trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”.

Trong chuyến kiểm tra tình hình phòng chống dịch tại tỉnh Bình Dương, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá: “Một số cơ sở y tế tư nhân tại Bình Dương hiện đang rất tốt. Các cơ sở y tế tư nhân không chỉ chia lửa với hệ thống bệnh viện công lập trong tỉnh mà còn có thể phục vụ các khu vực lân cận nếu trường hợp dịch COVID-19 diễn biến nặng ở các khu vực. Đề nghị tỉnh Bình Dương cần quan tâm, tranh thủ tận dụng năng lực của đối tượng này”.

Tuy nhiên, trong khi các bệnh viện có đủ trang thiết bị, nhân lực để xét nghiệm khẳng định vẫn phải gửi mẫu xét nghiệm về CDC Bình Dương chờ công nhận mới “hoàn tất” quy trình công bố kết quả. Ghi nhận cho thấy, mặc dù quá tải trong việc khẳng định PCR nhưng hiện chưa có y tế tư nhân nào ở Bình Dương có “giấy phép” khẳng định xét nghiệm RT-PCR theo quy định của ngành y tế.

Đại diện CDC Bình Dương cho biết, đơn vị được cấp 5 máy khẳng định PCR hoạt động suốt ngày, đêm nhưng khó để nhanh hơn khi địa phương đang thực hiện chiến dịch xét nghiệm toàn dân.

Khuê Lâm - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: "Chợ 0 đồng" ấm lòng người lao động

Sáng 14/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quận phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự quận Ba Đình tổ chức chương trình “Chợ 0 đồng” để hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn trên địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thong-tin-covid-19/giai-phap-giup-binh-duong-kiem-soat-tot-hon-dich-benh-covid-19-hien-nay-d163522.html