Giải pháp hạn chế tình trạng bầu cử hộ, bầu cử thay

21/05/2021 20:48

Kinhte&Xahoi Thừa nhận trên thực tế có những trường hợp đi bầu cử thay, bầu cử hộ nhưng Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng hy vọng sự vào cuộc tuyên truyền của báo chí sẽ là một giải pháp quan trọng.

Toàn cảnh buổi họp báo. 

Tại cuộc họp báo về công tác chuẩn bị cho Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra chiều 21/5, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia (HĐBCQG) Nguyễn Thị Thanh đã giải đáp thẳng thắn câu hỏi của báo chí về tình trạng đi “bầu cử hộ”, “bầu cử thay”.

Theo bà Thanh, mục tiêu và nguyên tắc của bầu cử ở nước ta là bầu cử phổ thông, trực tiếp, bình đẳng, việc đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ công dân của mỗi cử tri. Việc đi bầu hộ, bầu thay là làm mất quyền cử tri khi thực hiện quyền dân chủ trực tiếp đối với đất nước, tự mình đánh mất việc được bỏ phiếu bầu người thay mình tham gia các cơ quan dân cử ở Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những trường hợp đi bầu cử thay, bầu cử hộ.

Để tránh tình trạng trên, trong các cuộc bầu cử thì việc báo chí tuyên truyền là một giải pháp quan trọng để người dân hiểu, ý thức trách nhiệm quan trọng của mình đối với bầu cử. “Mong rằng trong 2 ngày tới đây, báo chí tiếp tục là cánh tay nối dài của HĐBCQG để cùng với các tổ chức bầu cử tuyên truyền cho người dân nói chung và cử tri nói riêng thực hiện đầy đủ quyền của mình” – bà Thanh gửi gắm. 

Theo đó, trước hết, tập trung tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc tham gia bầu cử, giúp cử tri hiểu bầu cử hộ, bầu cử thay là vi phạm các nguyên tắc vừa nêu, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn vì thường xuất hiện tình huống này nhiều hơn. Bên cạnh việc tuyên truyền, cần bố trí, sắp xếp thời gian thuận lợi để cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình vào ngày 23/5 tới đây…

Ở một số địa phương có hiện tượng đi bầu cử hộ, bầu cử thay mà chúng ta đã tổng kết trước đây thì cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa. Trong đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ở các địa phương trong việc vận động, tuyên truyền, nhắc nhở, theo dõi diễn biến cử tri đi bầu. 

Từ thực tiễn từng làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã chỉ đạo nhiều cuộc bầu cử, bà Thanh chia sẻ, địa phương cũng làm theo cách trên. Chẳng hạn, qua bàn ghi cử tri thì sẽ biết cử tri ở khu vực nào, thôn xóm nào đã đi bầu nhiều, khu vực nào chưa đi bầu nhiều thì sẽ nhắc nhở vận động. 

Đơn cử, Ninh Bình có huyện Kim Sơn có nhiều người theo Công giáo nên tỉnh đã vận động, làm việc với giám mục. Do chủ nhật là ngày đi lễ nên linh mục vận động sau khi đi lễ thì bà con đi luôn ra điểm bỏ phiếu và những nơi có bà con giáo dân lại thường hoàn thành bầu cử sớm, bầu cử nhanh.

H.T- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nông sản “rủ nhau” lên sàn mùa dịch

Dịch Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người, từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng online. Đây là cơ hội mở ra cánh cửa tiêu thụ mới cho các loại nông sản.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/giai-phap-han-che-tinh-trang-bau-cu-ho-bau-cu-thay-d156183.html