Giảm giá nhưng thị trường sắt, thép vẫn chưa hạ nhiệt

14/06/2021 07:45

Kinhte&Xahoi Những ngày gần đây, giá sắt, thép trên thị trường đột ngột giảm mạnh. Điều này khiến người tiêu dùng, DN xây dựng kỳ vọng từ nay đến hết năm 2021 giá sắt thép sẽ hạ nhiệt.

Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Viet Nam. Ảnh: Hải Linh

Giá sắt, thép đồng loạt giảm

 Từ cuối năm 2020 đến nay, sau nhiều lần tăng giá, ngày 9/6 các công ty sản xuất sắt thép đồng loạt thông báo giảm giá bán. Cụ thể thép Hòa Phát báo giá ở mức 17,2 triệu đồng/tấn thép cuộn CB240, thép vằn D10 CB300 giá 17,05 triệu đồng/tấn. Còn các loại thép vằn D12, D14 giá dao động 16,85 - 16,9 triệu đồng/tấn. So với thời điểm giá thép "lập đỉnh" sát mức 18,3 triệu đồng/tấn cách đây gần một tháng, hiện mỗi tấn thép cuộn Hòa Phát giảm hơn 1 triệu đồng;

Thép thanh cũng hạ 500.000 - 700.000 đồng/tấn. Tương tự, thép cuộn Việt Đức cũng lùi về còn 17 triệu đồng mỗi tấn, giảm 960.000 đồng/tấn so với thời điểm đầu tháng 6. Các mặt hàng thép thanh (D10, D12 và D14) của thương hiệu này cũng về dưới ngưỡng 17 triệu đồng/tấn, hiện được bán với giá từ 16,65 - 16,85 triệu đồng/tấn, hạ gần 800.000 đồng so với ngày 2/6.

Lý giải nguyên nhân khiến giá sắt thép giảm giá, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Đỗ Xuân Chiểu nêu rõ, giá thép trong nước vài ngày gần đây hạ nhiệt do giá nguyên liệu như quặng sắt, phôi, than cốc... chiếm 70 - 80% giá thành đang trong xu hướng giảm. Giá quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch Đại Liên (Trung Quốc) ngày 8/6 giảm xuống mức thấp nhất so với đầu tháng 6, hiện chỉ còn 173,03 USD/tấn.

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 7 tại thị trường Singapore cũng còn 190 USD một tấn, giảm 2%. Ngoài quặng, giá các nguyên liệu sản xuất thép khác như than cốc cũng giảm 0,5 - 1,3%, tuỳ loại. Nhờ đó, giá thép giao kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm về còn 5.119 nhân dân tệ/tấn. “Nhu cầu thép tại thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại kéo theo giá thép trên các sàn giao dịch của Trung Quốc đều đang giảm nhiệt. Tại sàn Thượng Hải, thép thanh giảm 2,4%, thép cuộn mất 2,2% so với thời điểm ngày 1/6”- ông Chiểu nêu ví dụ.

Chặn đà tăng giá thép

Báo cáo mới đây của cơ quan xếp hạng tài chính quốc tế Fitch Solutions dự đoán trong ngắn hạn, giá thép toàn cầu sẽ đạt mức trung bình 800 USD/tấn vào 6 tháng cuối năm, tăng lên 140 USD/tấn so với dự báo trước đó (660 USD/tấn), nguyên nhân là sự mất cân đối trong cung - cầu khiến giá vật liệu này tiếp tục tăng cao. Fitch Solutions thông tin, trong 6 tháng cuối năm 2021, giá thép sẽ giảm không đáng kể, nguyên nhân là sản lượng thép cung ứng ổn định trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Dự kiến phải đến năm 2022 giá thép sẽ giảm về mức trung bình 600 USD/tấn.

Theo các chuyên gia kinh tế để chặn đà tăng giá thép đòi hỏi các DN sản xuất cần tiết giảm chi phí sản xuất, bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường trong nước. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa nêu rõ, các nhà sản xuất cần ưu tiên nguồn phôi thép để dùng sản xuất trong nước. Để làm được điều này đòi hỏi Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các DN sản xuất phôi tạm thời hạn chế xuất khẩu, ưu tiên thị trường nội địa, qua đó hạn chế sự tăng giá thép xây dựng.

Tại buổi làm việc với các DN ngành thép mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh. Cùng với đó, từng bước hình thành quỹ đầu tư bằng ngân sách nhà nước, sự đóng góp của các DN trong ngành thép để nghiên cứu đầu tư vào các phòng thí nghiệm, sản xuất những mặt hàng thép đặc biệt, đáp ứng được nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp chế tạo khác.

Mặc dù đồng tình với những giải pháp chặn đà tăng giá thép mà Bộ Công Thương đưa ra nhưng chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là nhóm giải pháp tổng thể cho ngành thép trong trung và dài hạn. Trong khi đó, đối với thị trường hiện nay, cần những giải pháp để phòng ngừa rủi ro cho DN, bao gồm cả DN sử dụng thép khi giá biến động lớn. "Giá bán do thị trường quyết định, Nhà nước không phải lúc nào cũng can thiệp, chỉ khi có bất ổn mới can thiệp. Các DN, đặc biệt là DN sử dụng thép xây dựng, phải chủ động nguồn cung qua đó hạn chế khó khăn khi giá tăng mạnh trong thời gian qua" - ông Vũ Đình Ánh nói.

Vào thời điểm tháng 6, 7 hằng năm là mùa mưa, các công trình xây dựng sẽ ít thi công nên số lượng thép bán ra sẽ giảm kéo theo DN sắt thép điều chỉnh giảm giá. Còn cao điểm mùa xây dựng rơi vào khoảng 3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm, giá cũng tăng cao hơn khi nhu cầu thép tăng cao. Năm nay giá thép đã tăng cao tới 45% so với trung bình hằng năm nên trong tháng 6 và tháng 7 giá sắt chỉ giảm khoảng 3 - 5%, nhưng vào cao điểm mùa xây dựng giá thép có thể sẽ tăng trở lại.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa 

 Thu Hương - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tết Đoan Ngọ, rượu nếp, hoa quả đắt hàng

Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) hàng năm, theo quan niệm dân gian là ngày Tết "giết sâu bọ" bằng cơm rượu nếp, bánh gio và các loại hoa quả... Khảo sát tại hệ thống chợ truyền thống cho thấy nhu cầu tiêu thụ mặt hàng cơm rượu nếp những ngày qua tăng cao, giá bán cũng tùy thuộc địa bàn kinh doanh.

Giá thép tăng đã được dự báo trong kịch bản

Trong khi nhiều ý kiến lo ngại việc tăng giá sắt thép, xi măng, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, hay một số phí dịch vụ vận tải biển, phí hàng không... sẽ gây áp lực đến chỉ số giá (CPI) năm 2021, trong một phản hồi mới đây, Bộ Tài chính khẳng định, CPI năm 2021 vẫn trong tầm kiểm soát.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/giam-gia-nhung-thi-truong-sat-thep-van-chua-ha-nhiet-423475.html