Việc ban hành chuyên đề nhằm thực hiện Kế hoạch số 03 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5489/QĐ-UBND về việc ban hành Chuyên đề số 01 “Đẩy mạnh công tác rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản, quy định pháp luật, các quy định liên quan đến cơ chế, chính sách để bảo đảm phù hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn thành phố”.
Việc ban hành chuyên đề nhằm thực hiện Kế hoạch số 03-KH/BCĐ ngày 28/6/2011 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”.
Theo UBND TP, trong hai năm 2019 và 2020, HĐND, UBND TP đã ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đối với 72 văn bản (trong đó có 14 nghị quyết; 58 quyết định) và quyết định bãi bỏ 17 văn bản trong một số lĩnh vực, như: Tài chính, ngân sách (15 văn bản), nội vụ (12 văn bản), xây dựng (12 văn bản), giao thông vận tải (8 văn bản), tài nguyên và môi trường (2 văn bản), kế hoạch và đầu tư (1 văn bản)...
Về công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND TP, năm 2020, công bố 42 văn bản hết hiệu lực, trong đó có 38 văn bản hết hiệu lực toàn bộ (7 nghị quyết, 31 quyết định) và 4 quyết định hết hiệu lực một phần.
Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp với các quy định của Trung ương và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đã bảo đảm cho hệ thống văn bản quy pháp luật của thành phố được thống nhất, minh bạch; Là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của Thủ đô nói chung; Đồng thời phù hợp công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói riêng.
Để thực hiện có hiệu quả Chuyên đề số 01, UBND TP đề ra một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, quá trình rà soát cần tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế theo thẩm quyền các quy chế, quy định của trung ương và thành phố trong các lĩnh vực quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản; Quản lý quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, phân bổ ngân sách...; Việc phân cấp, ủy quyền, giao quyền phải đi đôi với cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác quản lý; Quy trình xử lý, giải quyết công việc... nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí để “không thể tham nhũng”.
Trường hợp xác định văn bản được rà soát có quy định trái, mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản quy pháp luật của cấp trên hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các đơn vị, địa phương có trách nhiệm báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo quy định.
Hạnh Nguyên - TTTĐ