Hà Nội ban hành tiêu chí đánh gía an toàn khi học sinh quay trở lại trường

30/10/2021 08:10

Kinhte&Xahoi Liên Sở GD&ĐT – Y tế Hà Nội vừa có Hướng dẫn về công tác phòng chống dịch Covid-19 khi học sinh quay trở lại trường học trong điều kiện bình thường mới.

Theo đó, để chuẩn bị cho việc đón học sinh quay trở lại trường học tập khi đủ điều kiện và bảo đảm an toàn về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, Liên Sở GD&ĐT, Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn các đơn vị công tác phòng, chống dịch Covid-19 cụ thể như sau:

Cô và trò trường THPT Kim Liên ( Hà Nội) trong lễ khai giảng (Ảnh tư liệu)

Trước khi đón học sinh quay lại trường, các trường học cần phải làm: Vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; tập huấn và tuyên truyền đến cán bộ, nhân viên nhà trường; phân công thực hiện nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị.

Các trường đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, y tế tại trường học như đủ nước uống hợp vệ sinh, mỗi học sinh có cốc dùng riêng; tăng cường không khí trong lớp học bằng cách mở cửa; đảm bảo đủ xà phòng, dung dịch khử khuẩn…

Các trường tổ chức khử khuẩn trường học bằng cách phun hoặc lau nền nhà, tường nhà (nếu có thể), tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, lớp học, phòng chức năng; Tổ chức khử khuẩn phương tiện đưa đón học sinh (nếu có).

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục tập huấn cho giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường về công tác phòng, chống dịch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học, cách phát hiện các triệu chứng của bệnh Covid-19 theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Trước khi đến trường, học sinh phải theo dõi sức khoẻ tại nhà

Khi học sinh quay trở lại trường, giáo viên cần gửi thông tin, hướng dẫn phụ huynh, học sinh thực hiện các biện pháp bảo vệ, theo dõi sức khỏe tại nhà, đồng thời phối hợp với cha mẹ học sinh để theo sát tình hình của trẻ.

Các thầy cô cũng cần chủ động đăng ký tiêm đủ 2 mũi vaccine và theo dõi sức khỏe tại nhà. Nếu đang trong thời gian cách ly y tế, giáo viên không được phép đến trường.

Đối với học sinh, trước khi đến trường cần tăng cường tập thể dục, thực hiện các biện pháp phòng dịch và tự theo dõi sức khỏe của bản thân. Nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở, các em cần báo cho nhà trường và cơ quan y tế.

Khi đón học sinh quay trở lại, nhà trường cần: Tổ chức các hoạt động tại trường học đảm bảo quy định phòng, chống dịch; thực hiện công tác khử khuẩn vệ sinh trường, lớp; theo dõi, chăm sóc, giám sát và xử lý các vấn đề sức khỏe tại trường; kiểm tra, giám sát, báo cáo việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại trường.

Giáo viên cần hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở học sinh thực hiện các nguyên tắc phòng dịch khi ở trường. Hàng ngày, trước khi vào học, giáo viên phải điểm danh và kiểm tra tình hình sức khỏe của trẻ để có phương án theo dõi, xử lý kịp thời…

Đối với các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở tại trường học: Các trường phải đưa người nghi ngờ đến khu cách ly y tế riêng. Hạn chế tiếp xúc với người xung quanhm tránh tiếp xúc gần dưới 1 mét….; Khai thác các tiền xử tiếp xúc của người nghi ngờ…

Học trò THPT Kim Liên Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Khu vực cách ly của nhà trường phải đảm bảo có công trình vệ sinh khép kín; đảm bảo thực hiện phòng chống dịch lây nhiễm bằng việc thực hiện vệ sinh thông khí, không dùng điều hoà…; cửa phòng bố trí nơi rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; đảm bảo thiết bị y tế cơ bản; có nội quy khu cách ly…

Đối với các cơ sở giáo dục có ký túc xá học sinh, ban giám hiệu phải quán triệt vấn đề tổ chức nấu ăn trong phòng, đồng thời tổ chức khử khuẩn thường xuyên, bố trí trạm y tế đầy đủ để ứng phó kịp thời khi phát hiện học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

Nếu phát hiện các trường hợp sốt, ho, khó thở tại trường học, nhà trường cần tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định của cơ quan y tế.

16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch tại trường học

 Theo hướng dẫn của Liên sở có 16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, chia thành 3 nhóm là: Trước khi học sinh đến trường, khi học sinh đến trường và sau khi kết thúc buổi học.

Mỗi tiêu chí được đánh giá ở hai mức là đạt và không đạt. Số tiêu chí đạt nhiều, tức là mức độ an toàn càng cao. Ngược lại, số tiêu chí không đạt nhiều, đồng nghĩa với mức độ an toàn thấp, trường học không an toàn.

Về phương pháp đánh giá, UBND quy định sẽ đánh giá lần lượt theo từng tiêu chí. Các tiêu chí đạt khi và chỉ khi các nội hàm của tiêu chí đều đạt.

Xếp loại mức độ an toàn được chia làm 3 loại, loại cao nhất là đạt từ 12 tiêu chí trở lên, loại trung bình đạt từ 8-11 tiêu chí và loại thấp nhất chỉ đạt từ 7 tiêu chí trở xuống.

Nếu đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học sẽ được đánh giá là chưa thực hiện tốt, không an toàn và không được phép hoạt động.

Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nông sản từ các tỉnh, thành phố vào Hà Nội: Siết chặt quản lý chất lượng

Hiện nay, Hà Nội mới chủ động được 30-65% nhu cầu nông sản các loại, số còn lại được cung cấp từ các tỉnh, thành phố… Ngành Nông nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường kết nối, bảo đảm nguồn cung cho thị trường; đồng thời siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-ban-hanh-tieu-chi-danh-gia-an-toan-khi-hoc-sinh-quay-tro-lai-truong-181619.html