Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh

11/05/2020 11:52

Kinhte&Xahoi Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, thời gian qua, mặc dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô đã tích cực đồng hành cùng các cấp chính quyền, tham gia, đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

Điểm cầu trụ sở UBND TP Hà Nội. (Ảnh: Duy Linh)

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” diễn ra sáng 9/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để truyền tải tinh thần của hội nghị cũng như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo truyền hình trực tuyến hội nghị này đến 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn, mời hơn 12.000 doanh nghiệp và 3.000 cán bộ quản lý tham gia.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, mặc dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô đã tích cực đồng hành cùng các cấp chính quyền, tham gia, đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, chia ca làm việc để bảo đảm thu nhập, tiền lương cho người lao động; nhiều đơn vị và tập đoàn giữ nguyên tiền lương cho công nhân; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh qua hệ thống trực tuyến và thương mại điện tử,...

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mức cao hơn 1,3 lần so với mức tăng trưởng chung cả nước, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, từ tháng 2/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND thành phố thành lập tổ công tác cập nhật thường xuyên tình hình, xây dựng 3 kịch bản phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm ưu tiên cho y tế, an sinh xã hội, giáo dục, an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, xây dựng đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế.

Ngày 16/4 vừa qua, trực tiếp Bí thư Thành ủy cùng các lãnh đạo thành phố đã gặp gỡ, đối thoại với 100 doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô để lắng nghe kiến nghị và giải quyết khó khăn. Để tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội cam kết thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần quyết liệt như phòng, chống dịch bệnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó trọng tâm là hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu và thị trường xuất khẩu.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Duy Linh)

Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, từ tháng 2/2020 đến nay, Hà Nội đã chuyển 1.020 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội và cam kết sẽ tiếp tục chuyển thêm nguồn tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh vay phát triển sản xuất với lãi suất 0%, nhất là trong lĩnh vực tái đầu tư phát triển đàn lợn, gia súc, gia cầm, tái cơ cấu, đưa kỹ thuật cao vào phát triển công nghiệp,…

Cuối tháng 5 và đầu tháng 6 tới, thành phố sẽ phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, tổ chức tháng khuyến mại nhằm kích thích tiêu dùng nội địa; đồng thời kích cầu du lịch nội địa,…

Thành phố cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục không cần thiết; phấn đấu đến ngày 30-6 tới, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 4; trong đó 25% dịch vụ đạt mức độ 4, bảo đảm kết nối 250 dịch vụ với Cổng dịch vụ công quốc gia ngay trong tháng 6.

Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ chi tiêu thường xuyên và tiếp tục yêu cầu cắt giảm thêm 5% so với mục tiêu 10% ban đầu để dành thêm nguồn lực cho phát triển. Thành phố tiếp tục hỗ trợ đối với các chương trình đào tạo nghề và đào tạo chuyển đổi nghề, phấn đấu 75% lao động trên địa bàn thành phố sẽ được qua đào tạo.

Song song với đó, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND thành phố tích cực chuẩn bị, phấn đấu đến tuần cuối cùng của tháng 6/2020 sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển. Dự kiến, có gần 100 dự án sẽ được trao chủ trương đầu tư trong dịp này. Riêng các dự án đầu tư trong nước đạt 330.000 tỷ đồng, trong số này có 26 dự án nhà ở xã hội với số vốn là 72.000 tỷ đồng, hình thành hơn 3 triệu mét vuông nhà ở xã hội để cung cấp ra thị trường cho các đối tượng thu nhập thấp trong những năm tới. Đối với các dự án của doanh nghiệp FDI, thành phố Hà Nội dự kiến trao chủ trương đầu tư trong dịp này là khoảng 3,5 tỷ USD.

Ngoài ra, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển về khoa học công nghệ; xây dựng hệ thống kho logistics và thương mại điện tử. Đồng thời, tiếp tục phát triển kinh tế gắn với việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương: Thúc đẩy tiêu dùng nội địa

Những năm gần đây, Hà Nội trở thành “điểm đến” của các loại hàng hóa - đặc biệt là nông sản của nhiều tỉnh, thành phố, nhờ hoạt động kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Để tiếp tục khơi thông giao thương hàng hóa, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, vẫn cần nâng cao hơn nữa chất lượng, tính an toàn, tiêu chuẩn đóng gói, bao bì…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hơn 10 triệu người trên địa bàn Thủ đô.

Link bài gốc http://laodongthudo.vn/ha-noi-cam-ket-se-tiep-tuc-ho-tro-doanh-nghiep-vua-va-nho-ho-kinh-doanh-107976.html