Hà Nội: Đảm bảo hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân

18/07/2021 19:38

Kinhte&Xahoi Đó là khẳng định của đại diện nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội tại buổi họp triển khai phương án bảo đảm hàng hóa thiết yếu trong dịch Covid-19 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chiều 18/7.

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa

 Liên quan đến công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Theo đó, lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng. Cụ thể, ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…“Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc là 1048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc là 5359,05 tỷ đồng" - bà Phương Lan nêu rõ.

 Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan và các siêu thị bàn giải pháp dự trữ hàng hóa ( 18/7)

Ghi nhận của phóng viên tại các hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP Hà Nội chiều 18/7 cho thấy, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, không có tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi. Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử, hotline… giao hàng tại nhà nhằm tạo thuận lợi cho việc mua sắm của người dân. Nhằm hạn chế hiện tượng lợi dụng Covid-19 để găm hàng tăng giá bất hợp lý, hệ thống siêu thị tại Hà Nội đã chủ động sẵn sàng các phương án dự trữ hàng hóa, với lượng hàng nhu yếu phẩm tăng từ 30-50%, đồng thời cam kết không tăng giá bán thời điểm này.

 Người tiêu dùng mua rau xanh tại siêu thị Hapro Thành Công (18/7)

Tổng Giám đốc Công ty BRG Retail Nguyễn Thái Dũng cho biết, doanh nghiệp đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm.   Trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm 13 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá bao gồm: Gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún mỳ phở ăn liền, dầu ăn, gia vị, rau củ quả… luôn đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng.Tương tự, Giám đốc miền Bắc hệ thống siêu thị Vinmart Khúc Tiến Hà  thông tin  cho biết, với hệ thống 800 điểm bán hàng và 51 siêu thị lớn tại Hà Nội, hệ thống Vinmart đang trữ kho tại chỗ bảo đảm phục vụ người dân không để xảy ra tình trạng chống kệ. Vinmart cung đã làm việc với các nhà cung cấp thực phẩm như Masan, Meat Deli đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hóa. Đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P cũng cho biết, đơn vị đã chuẩn bị hàng nghìn tấn nguyên liệu sản xuất lượng hàng hóa lớn để chủ động cung cấp cho hệ thống siêu thị và các điểm bán của thành phố, cụ thể lượng gà khoảng 200 tấn/ngày, lợn khoảng 150 tấn/ngày.

 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Hapro Thành Công ( 18/7)

Thực tế cho thấy nhằm đảm bảo nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu, Sở Công thương Hà Nội đã tăng cường liên kết với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc; nắm rõ các doanh nghiệp chủ lực sản xuất hàng công nghiệp, nông sản tại các địa phương để cung cấp cho các đơn vị phân phối của Hà Nội chủ động liên hệ, ký kết nguồn hàng, sẵn sàng cung cấp lượng hàng cần thiết khi Hà Nội có nhu cầu.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi trong cung ứng, lưu thông hàng hóa

Những ngày gần đây việc lưu thông hàng tiêu dùng thiết yếu tới hệ thống chợ truyền thống, siêu thị khu vực phía Nam gặp nhiều khó khăn đang dấy lên nỗi lo ngại liệu hệ thống bán lẻ Hà Nội có đáp ứng nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân ?. Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) Vũ Thị Hậu, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xe vận tải chuyển hàng hóa từ các địa phương về Hà Nội nếu không được lưu thông thông suốt rất dễ xảy ra tình trạng ách tắc, không đảm bảo cung ứng đủ hàng tiêu dùng thiết yếu.

 Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro

Đồng tình với ý kiến này ông Khúc Tiến Hà và các DN bán lẻ có chung  lo lắng, doanh nghiệp bán lẻ gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyện hàng hóa từ điểm này đến điểm kia, nguyên nhân là do nhân viên vận chuyển phải trải qua nhiều thủ tục như như xét nghiệm, thậm chí phải cách ly…kéo theo thiếu lao động tham gia vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, mỗi địa phương chỉ đạo một cách về xét nghiệm, con người, phương tiện vận chuyển… khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa.  

Trước những khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ  trong quá trình vận chuyển hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, bà Trần Thị Phương Lan nêu rõ,  Sở Công Thương đã đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép 132 xe ô tô, xe sitec của 20 doanh nghiệp được hoạt động 24/7 cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân, bình ổn thị trường và công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiếp tục trình thành phố cho phép thống nhất phương án chấp thuận cho xe các tỉnh, thành phố và xe của doanh nghiệp lưu thông 24/7ngày phục vụ vận chuyển hàng hóa phòng chống dịch.

Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố Hà Nội tạo điều kiện cho 495 xe ô tô chở hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu tỉnh Bắc Giang (đã bảo đảm các quy định phòng chống dịch về người, phương tiện, hàng hóa) được phép lưu thông trên địa bàn Hà Nội, qua các chốt, trạm kiểm dịch theo quy định để kịp thời cung cấp hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với việc lưu thông liên tỉnh, Bộ Giao thông vận tải đã có giấy phép luồng xanh, những doanh nghiệp nào cần cấp luồng xanh gửi ngay về Sở để Sở gửi Bộ Giao thông vận tải để cấp luồng xanh cho hệ thông phân phối đi liên tỉnh nhanh nhất. “Để chung tay phòng chống dịch Covid-19, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của chính người dân, thực hiện nghiêm quy định 5K và không đầu cơ tích trữ hàng hóa gây khan hiếm cục bộ trong thời điểm dịch bệnh” - bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Lê Nam - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng hóa không thiếu, vì sao vẫn khan?

Theo khẳng định của các cơ quan chức năng và lãnh đạo các siêu thị lớn ở TP Hồ Chí Minh, hàng hóa đảm bảo cung ứng cho người dân. Vì sao vẫn có hiện tượng khan hàng xảy ra kể từ thời điểm TP thực hiện giãn cách xã hội?

Cục QLTT TP HCM kiểm tra hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh

Chiều 16/7, Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân phản ánh về trình trạng tăng giá các mặt hàng, đặc biệt là rau củ tại chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh. Đoàn công tác liên ngành do Cục quản lý thị trường (QLTT) TP HCM vào cuộc, kiểm tra nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX) để xác minh vụ việc trên.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-dam-bao-hang-hoa-thiet-yeu-dap-ung-nhu-cau-tieu-dung-cua-nguoi-dan-427580.html