Hà Nội đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá vào dịp Tết

25/01/2022 11:26

Kinhte&Xahoi Nhằm đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thành phố Hà Nội đã tăng lượng hàng hóa ký kết gấp 2-3 lần so với ngày thường vừa đảm bảo nhu cầu người dân trong dịp Tết, vừa sẵn sàng ứng phó với đại dịch COVID-19.

Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định

 Hà Nội là đô thị lớn với hơn 10 triệu dân, trong khi sản xuất tại chỗ mới đáp ứng được từ 30 - 65% nhu cầu nông sản. Cụ thể, nhu cầu về gạo 1 tháng Hà Nội cần khoảng 92.970 tấn (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu); Thịt lợn hơi 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 91,1%); Thịt gia cầm 6.198 tấn (khả năng cung ứng 10.671 tấn); Rau củ 103.300 tấn (khả năng cung ứng 67.299 tấn, đáp ứng 65,1%); Trái cây 52.000 tấn (khả năng cung ứng 15.000 tấn, đáp ứng 28,8% ); Trứng gia cầm 123,9 triệu quả (khả năng cung ứng 117 triệu quả, đáp ứng 94,2%)…

Đặc biệt, vào dịp cuối năm, nhu cầu về các sản phẩm này tăng 20 - 30%. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá vào dịp cuối năm, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã sớm lên kịch bản về nguồn cung ứng.

Người dân thăm quan, mua sắm tại siêu thị

Để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của người dân Thủ đô, ngay từ những tháng cuối năm 2021, các vùng ngoại thành Hà Nội đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Để đảm bảo nguồn cung nông sản dịp cuối năm, bên cạnh khuyến khích nông dân mở rộng diện tích cây rau màu vụ Đông, tăng đàn vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có thêm nhiều chính sách hỗ trợ nông dân tăng năng suất, chất lượng nông sản.

Đồng thời, Sở cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trong việc liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để nông dân yên tâm sản xuất. Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với ngành Công thương và nhiều tỉnh, thành trên cả nước xây dựng phương án cung ứng nông sản cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội hiện có 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các chuỗi này đang kiểm soát, cung ứng 1.370 loại sản phẩm tại 110 siêu thị, 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.

Bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu

 Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để chủ động nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ tốt nhu cầu của người dân trên địa bàn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thành phố Hà Nội đã chủ động các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay: Để bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác nguồn hàng của Hà Nội từ các tỉnh, thành phố; Triển khai phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ Tết; Tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

“Chúng tôi cũng tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng, trong đó lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường vừa đảm bảo nhu cầu người dân trong dịp Tết, vừa để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19”, bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Thành phố Hà Nội đã tăng lượng hàng hóa ký kết gấp 2-3 lần so với ngày thường vừa đảm bảo nhu cầu người dân trong dịp Tết, vừa sẵn sàng ứng phó với đại dịch COVID-19

Cũng theo quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của thành phố Hà Nội gồm: 278.910 tấn gạo, 57.780 tấn thịt lợn hơi, 18.594 tấn thịt gà, 16,05 tấn thịt bò, 372 quả trứng gia cầm, 309,900 tấn rau củ, 57,75 tấn thủy sản, 15,495 tấn thực phẩm chế biến, 156 tấn trái cây, 1,5 tấn bánh mứt kẹo... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, hoạt động phân phối hàng hóa được phát triển rộng khắp với nhiều hình thức, không chỉ được thực hiện qua kênh bán hàng truyền thống, gồm 28 trung tâm thương mại; 123 siêu thị; 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; Hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước... mà còn được tổ chức qua kênh đa phương tiện như website, hotline, app… với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.

Bà Trần Thị Phương Lan cho hay, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, ngành Công thương sẽ triển khai tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng phục vụ Tết theo các hình thức phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo của thành phố Hà Nội.

Theo đó, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, các làng nghề tập trung sản xuất đảm bảo nguồn cung ứng sản phẩm trên địa bàn Thành phố; Đồng thời chỉ đạo các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa tổ chức các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định và đảm bảo công tác phòng chống dịch phục vụ Nhân dân cũng như tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Sở cũng triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ Nhân dân trên địa bàn Thủ đô dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, như: Tổ chức các điểm bán hàng, phiên chợ, các chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các xã miền núi để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; Tổ chức các chợ hoa xuân phục vụ Tết...

 Thanh Tùng - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thị trường đồ lễ "ông Công, ông Táo" dồi dào, giá cả phải chăng

Trước một ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, thị trường đồ lễ, vàng mã tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội khá dồi dào, phong phú về chủng loại, mẫu mã, giá cả hợp lý so với mọi năm. Tuy nhiên, đối với mặt hàng cá chép có giảm nhẹ nhưng sức mua của người dân cũng không nhiều.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-dam-bao-khong-de-xay-ra-tinh-trang-khan-hang-sot-gia-vao-dip-tet-188726.html