Hà Nội: Đan Phượng là huyện đầu tiên hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

03/01/2024 16:09

Kinhte&Xahoi Ngày 3-1, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã thẩm định các xã: Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An (huyện Đan Phượng) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.

Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội thẩm định việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu 3 xã: Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An.

Cụ thể, triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với lĩnh vực tự chọn, xã Hạ Mỗ chọn lĩnh vực Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Du lịch; 2 xã Thọ An và Liên Hồng cùng chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực Y tế, Giáo dục và Đào tạo.

Theo Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Bùi Tất Thêm, Hạ Mỗ có truyền thống hiếu học, nơi sản sinh ra các bậc hiền tài của đất nước như: Thiền sư Trí Bảo; Thái úy Tô Hiến Thành; Hoàng giáp Đỗ Trí Trung…

Với bề dày lịch sử văn hoá lâu đời, ngay từ thế kỷ thứ VI, Hạ Mỗ là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân. Hiện, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác và đền Văn Hiến đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Trên nền tảng tiềm năng và lợi thế, Đảng bộ xã Hạ Mỗ đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn. Năm 2020, Hạ Mỗ được công nhận là điểm du lịch của thành phố. Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9-2023, xã đã đón 38.000 lượt khách tham quan.

Làng Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng).

Xã Liên Hồng nằm ven sông Hồng, có nghề mộc phát triển. Hiện nay, trên địa bàn có 89 doanh nghiệp, 83 cơ sở sản xuất mộc hoạt động hiệu quả, kinh doanh dịch vụ ngày càng phát triển. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 75,6 triệu đồng/người/năm. Trạm y tế xã Liên Hồng được xây dựng khang trang trên diện tích 3.000m2 với 16 phòng chức năng theo chuẩn quốc gia về y tế xã. Trạm cũng được trang bị các thiết bị hiện đại như máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm nước tiểu, máy khí dung, châm cứu… Từ năm 2019, Trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình.

Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Lai, xã Liên Hồng Nguyễn Thị Hoa, địa phương đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng; được đầu tư xây dựng công viên cây xanh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao.

Nhiều đổi thay trên quê hương Đan Phượng gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trong khi đó tại xã Thọ An, từ năm 2010 đến nay, xã đã huy động được hơn 310 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Đến nay, xã có hệ thống hạ tầng khang trang, đặc biệt trường học công lập 3 cấp đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 2 trường tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Kết luận tại buổi thẩm định, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn thẩm định của thành phố cho biết, cả 3 xã của huyện Đan Phượng đều đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Với rất nhiều cách làm sáng tạo, Đan Phượng luôn giữ vị trí dẫn đầu thành phố Hà Nội trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Ông Ngọ Văn Ngôn cũng đề nghị Đan Phượng tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện trên cả 8 lĩnh vực và xây dựng nông thôn mới thông minh gắn với phát triển đô thị.

Như vậy, với kết quả đạt được, đến nay, Đan Phượng là huyện đầu tiên của thành phố có 15/15 xã, chiếm 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nguyễn Mai - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tránh "đứt gãy" cung ứng nông sản dịp Tết

Thông thường, những tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giá các loại nông sản, thực phẩm sẽ tăng cao. Thế nhưng, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá lợn hơi lại đang xuống thấp; các loại nông sản khác, như: Rau, củ, quả cũng giảm nhẹ.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/ha-noi-dan-phuong-la-huyen-dau-tien-hoan-thanh-xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau-654893.html