Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 46/159 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch đến năm 2025

11/08/2021 18:56

Kinhte&Xahoi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ngày 10-8 ký ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND của UBND thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20-5-2021 của Chính phủ và Chương trình số 14-CTr/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Kế hoạch là căn cứ để các sở, ban, ngành và chính quyền cấp huyện xây dựng kế hoạch cụ thể hóa thành các nhiệm vụ theo chức năng, phạm vi, lĩnh vực quản lý của các cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hoàn thành 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và các mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Trong đó, kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Đồng thời, cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người đạt 8.300-8.500 USD.

Kế hoạch cũng đề ra 12 nhiệm vụ chủ yếu để triển khai thực hiện, trong đó, ưu tiên phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Cụ thể, thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra; chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ của dịch.

Cùng với đó là cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới toàn diện mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đặc biệt là hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh thu hút đầu tư, lấp đầy Khu công nghệ cao Hòa Lạc; đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Quang Minh II (huyện Mê Linh), Khu công nghệ cao sinh học (quận Bắc Từ Liêm), Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn. Hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư Khu công viên công nghệ phần mềm tại quận Long Biên và huyện Đông Anh; xây dựng 46/159 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch.

Đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có chất lượng vượt trội và sức cạnh tranh với vai trò dẫn dắt về công nghệ. Tập trung thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đô…

 Đình Hiệp - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội kích hoạt hàng loạt điểm bán hàng lưu động

Trong bối cảnh đã xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng thời gian qua khiến cho nhiều chợ truyền thống, siêu thị, nhất là một số chợ đầu mối bị phong tỏa tạm thời hoặc dừng hoạt động, nhiều quận, huyện cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai các điểm bán hàng lưu động để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu của người dân Thủ đô.

Triển khai 2.500 điểm bán hàng lưu động nếu nhiều chợ, siêu thị ngừng kinh doanh

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND về bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1008577/ha-noi-dat-muc-tieu%C2%A0xay-dung-46159-cum-cong-nghiep-con-lai-theo-quy-hoach-den-nam-2025?