Hà Nội: Không nương tay với vi phạm an toàn thực phẩm

11/04/2022 17:58

Kinhte&Xahoi Quý I/2022 là giai đoạn cao điểm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt là thời gian trước, trong và sau Tết nguyên đán Nhâm Dần. Ở đó, các ngành chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tập trung cao độ cho công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tồn tại nhiều vi phạm

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, trong quý I/2022, lực lượng chức năng ngành nông nghiệp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Kết quả, có 9 cơ sở vi phạm, bị các đơn vị xử phạt với tổng số tiền là 156 triệu đồng.

Đáng chú ý trong lĩnh vực ATTP, 7/7 tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra đều có vi phạm. Lực lượng chức năng đã xử phạt các cơ sở tổng số tiền là 116,5 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; không tuân thủ đầy đủ các điều kiện chung về bảo đảm ATTP...

Đoàn liên ngành Hà Nội kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại Siêu thị Lan Chi (huyện Ba Vì). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Ngoài ra, để kiểm tra phòng chống dịch Covid-19, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, vật tư chăn nuôi, trong quý I/2022, Trạm Chăn nuôi và thú y các quận, huyện, thị xã của Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với đoàn liên ngành địa phương tiến hành kiểm tra đối với 1.419 lượt cơ sở. Trong số này, đã thực hiện cảnh cáo 16 trường hợp, kiến nghị xử phạt 53 trường hợp, với tổng số tiền gần 208 triệu đồng. Có 4 trường hợp vi phạm với 1.561 kg động vật và sản phẩm động vật không đảm bảo ATTP đã bị các cơ quan chức năng tiêu huỷ theo đúng quy định.

Tập trung khắc phục hạn chế

Nhìn chung, trong quý I/2022, công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là trong lĩnh vực ATTP đã được triển khai tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Kết hợp với giám sát có thông báo là nhiều đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn, đặc biệt là dịp trước và trong Tết Nhâm Dần.

Dù vậy, đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, tình trạng vi phạm ATTP vẫn còn rất phức tạp. Nguyên nhân đến từ quy trình sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn khá phổ biến hiện nay. Nông sản, thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ thông qua các phương thức truyền thống như chợ đầu mối, chợ dân sinh… Mặt khác, thói quen tiêu dùng của người dân chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nên chưa thúc đẩy được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh an toàn…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, ATTP trong giai đoạn nào cũng hết sức quan trọng, bởi chất lượng hàng hoá, nông sản liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Chính vì vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.

Để công tác quản lý ATTP đạt hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội trong việc hướng dẫn các cơ sở tập trung khắc phục hạn chế. Tiến hành giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm mới phát sinh; bao gồm cả các hoạt động giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm có mầm bệnh, hoặc gia cầm thuộc diện có dịch bệnh cần phải quản lý...

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, hoạt động lấy mẫu, giám sát chất lượng, ATTP trong những tháng đầu năm 2022 tiếp tục được đơn vị tăng cường trên cơ sở phù hợp với điều kiện dịch bệnh Covid-19. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm tươi sống tiêu dùng hàng ngày của người dân tại các công đoạn có nguy cơ cao. Tổng số mẫu được Chi cục giám sát trong quý I/2022 là 30 mẫu; kết quả, các mẫu đều đảm bảo an toàn với chỉ tiêu phân tích.

Đoàn liên ngành Hà Nội kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Siêu thị Winmart (quận Nam Từ Liêm ). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Công tác tiếp nhận hồ sơ tự công bố được thực hiện thường xuyên. Theo đó, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ của 452 đơn vị, tiến hành đăng tải lên website bản tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm chế biến bao gói sẵn thuộc ngành nông nghiệp. Việc tổ chức hậu kiểm, kiểm tra chất lượng sản phẩm tự công bố được Chi cục kết hợp thông qua việc kiểm tra, lấy mẫu giám sát và việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất.

Để tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP ở các cấp từ TP đến cơ sở, cũng như đánh giá việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh…, UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm năm 2022. Trong đó, đặt ra yêu cầu công tác hậu kiểm phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào nhóm sản phẩm thuộc diện tự công bố, sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm OCOP…

UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành cần tránh chồng chéo trong công tác hậu kiểm. Việc triển khai hậu kiểm của các ngành NN&PTNT, Y tế và Công Thương thực hiện theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, hoạt động hậu kiểm phải được thực hiện thường xuyên; bảo đảm phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 và tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, đúng pháp luật. Đặc biệt, việc tiến hành công tác hậu kiểm cần tuyệt đối không được làm cản trở hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân là đối tượng hậu hiểm. 

Trọng Tùng - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tạm giữ gần 2 nghìn hộp ''Cafe Hoàng Gia'' nghi có thành phần gây ngộ độc

Ngày 10-4, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) cho biết đã phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Công an thị xã Sơn Tây tiến hành kiểm tra Công ty TNHH dược mỹ phẩm Lasva ở phường Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, xác minh thông tin sản phẩm “Cafe Hoàng Gia” hỗ trợ giảm cân do đơn vị này sản xuất có thành phần gây ngộ độc với người sử dụng.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-khong-nuong-tay-voi-vi-pham-an-toan-thuc-pham.html