Hà Nội: Mỹ phẩm 24 không có tem nhãn phụ, mập mờ nguồn gốc xuất xứ?

07/12/2018 14:51

Kinhte&Xahoi Nhiều dòng sản phẩm nhập khẩu của Mỹ phẩm 24 (số 30 Vũ Phạm Hàm, P.Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Tp. Hà Nội) hầu hết là hàng nhập khẩu và trên bao bì, vỏ sản phẩm đều là chữ nước ngoài nhưng không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Sản phẩm “trôi nổi” không nhãn phụ

Từ thông tin phản ánh của bạn đọc, PV trong vai một khách hàng đã mục sở thị tại cửa hàng số 30 Vũ Phạm Hàm, P.Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Tp. Hà Nội - Một cửa hàng của hệ thống mỹ phẩm 24 thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại trẻ Hà Nội (số 22, phố Láng Hạ, phòng 206B, P. Láng Hạ, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội), tên giao dịch: HYT CO., LTD, mã số thuế 0101489210, người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Hằng Nga.

Mỹ phẩm 24 (số 30 Vũ Phạm Hàm, P.Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Tp. Hà Nội).

Theo tìm hiểu của PV thì mỹ phẩm 24 được quảng cáo là Dr.CPU dược mỹ phẩm cao cấp Hàn Quốc, sản phẩm được Công ty TNHH Thương mại trẻ Hà Nội nhập khẩu và phân phối độc quyền tại Việt Nam. Công ty chuyên cung cấp các sản phẩm làm trắng, trị mụn, chăm sóc da lão hóa, nâng cơ, giảm nhăn, chăm sóc da cơ bản, tế bào gốc, tẩy da chết…

Người tiêu dùng rất khó khăn trong việc hiểu về công dụng của sản phẩm được bày bán nơi đây vì không tem nhãn phụ

Với những lời “mật ngọt” để thu hút khách hàng, tại cơ sở nhân viên tư vấn mỹ phẩm với nhiều thể loại gồm dưỡng da đến trang điểm với các dòng sản phẩm chuyên sâu cho spa và cá nhân được chiết xuất từ các thành phần thiên nhiên, dược liệu an toàn cho sức khỏe và làn da của bạn.

Người mua cũng cảm thấy "rắc rối" khi cầm trên tay hộp sản phẩm này

Liệu các sản phẩm nơi đây có thực sự an toàn cho người tiêu dùng? Khi trên bao bì, vỏ sản phẩm đều là chữ nước ngoài nhưng không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Chất lượng sản phẩm liệu có tốt như lời quảng cáo của nhân viên tư vấn?

Điều này là không phù hợp với các quy định hiện hành theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt trên bao bao bì sản phẩm mới được phép lưu hành. Nhãn phụ là nơi thể hiện thể hiện các thông tin đầy đủ, chi tiết về nguồn gốc xuất xứ, nhà nhập khẩu và phân phối hàng hóa, giúp các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, kiểm tra sản phẩm nhập khẩu, đồng thời giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm chính hãng, rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm.

Bao bì sản phẩm nhập khẩu độc quyền tại đây chỉ có chữ nước ngoài.

Việc các sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài không có nhãn phụ không chỉ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ sản phẩm, thời gian sản xuất và hạn sử dụng cũng như các thành phần của sản phẩm mà còn gia tăng tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Quy định của pháp luật về tem nhãn hàng hóa

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các Bộ ban ngành đã xây dựng hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Cụ thể theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Ngoài ra nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa.

Đối chiếu theo Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:

+ Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa

+ Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Khoản 2 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 26 theo mức phạt sau đây:

“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.”

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường

PV báo Người tiêu dùng đã liên hệ trực tiếp với chủ cơ sở để trao đổi thông tin khách quan thì nhận được câu trả lời: “Mỹ phẩm bên tôi xuất xứ từ Hàn Quốc, hàng của tôi là hàng nhập khẩu, tem nhãn rõ ràng… Bên tôi có phòng quản lý thị trường kiểm tra thường xuyên”.

Phòng quản lý thị trường có kiểm tra thường xuyên? Cơ sở vẫn “ngang nhiên” bày bán các mặt hàng không tem nhãn phụ để “vượt mặt” cơ quan chức năng?

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng để cập nhật sự việc tới bạn đọc ở bài viết tiếp theo.

 

Theo Người Tiêu Dùng/HATAP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khách hàng "tố" mỹ phẩm Coreana mập mờ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm

Được biết đến là cơ sở chuyên kinh doanh, nhập khẩu các sản phẩm mỹ phẩm chính hãng nhưng việc cửa hàng Coreana (341 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) không dán tem nhãn phụ theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhãn hàng hóa đã và đang làm dấy lên hoài nghi về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm này, khiến người tiêu dùng hoang mang và lúng túng khi mua hàng...