Hà Nội rồi sẽ lại tắc đường

02/04/2020 15:45

Kinhte&Xahoi Mong sao một ngày gần đây lại gặp cảnh tắc đường, vì đó chính là lúc Hà Nội hết dịch bệnh. Bao lâu nữa Hà Nội mới trở lại đúng với hình hài của một thành phố sôi động sẽ phụ thuộc nhiều vào ý thức của mỗi người...




Tháng 3 với ranh giới giữa xuân và hạ, xao xuyến giữa những cơn mưa nhẹ hạt đổ lên những cành hoa gạo rực đỏ. Những ngày này, lái xe quanh Hà Nội ta cảm nhận được sự trầm lắng của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Cảm nhận vẻ đẹp cổ kính thật yên tĩnh, bồi hồi…

Rồi bất giác nhận ra, đây không phải là một Hà Nội quen thuộc trong cuộc sống của phần lớn người dân Thủ đô. Gần một thập kỷ qua, Hà Nội mà chúng ta quen thuộc nhất là một Hà Nội sôi động, tấp nập, chật chội, chen chúc, ồn ào, tắc đường… Không sai khi nói: Hà Nội bình thường thì phải tắc đường.

Khi toàn dân nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch Covid-19 là “tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó” ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm”, Hà Nội đã trở nên vắng vẻ, đượm buồn.

Thường thì ngày tết miền Bắc chơi hoa đào, miền Nam chơi hoa mai. Nhưng năm nay, cả nước chơi hoa phượng. Là câu nói vui trong những ngày qua. 

Nhiều người nói vui rằng, chính sự tắc đường ở Hà Nội mới đúng là sự bình an. Bởi lẽ, chỉ khi phố phường trở nên đông đúc, ồn ào thì cuộc sống của chúng ta mới trở về bình thường đúng với guồng quay mà nó đang vận hành. Guồng quay này được tạo nên từ mồ hôi, công sức, trí tuệ của tất cả mọi người để tạo ra giá trị kinh tế cho cá nhân cho cộng đồng. Chỉ vài tháng về trước, Hà Nội lúc nào cũng tắc đường. Nghĩ đến giao thông, nghĩ đến không khí ở đây nhiều khi khó chịu, nhiều khi làu bàu, lẩm bẩm... Thế mà hôm nay, thấy Hà Nội ít bóng người, đường thoáng đến nao lòng. Có lẽ, Hà Nội dù có hối hả nhưng không khiến người ta phấp phỏng như lúc này.

Hà Nội đã trở nên vắng vẻ, đượm buồn.

Guồng quay này đang bị thay đổi bởi dịch bệnh, bởi sự vô ý thức của một số người. Sự thay đổi này đã khiến nhiều biết bao nhiêu thứ đổi thay theo chiều hướng tiêu cực. Thậm chí, sự thay đổi này sẽ khiến nền kinh tế nước nhà bị kéo xuống. Thế nhưng, việc đánh đổi sức khỏe, sinh mạng của người dân để đổi lấy phát triển kinh tế là điều không bao giờ có tại Việt Nam. Chúng ta ở nhà theo chỉ đạo của Thủ tướng vì sức khỏe mỗi người và mọi người, để ngày gần nhất, Hà Nội lại náo nhiệt.

 
Rồi một ngày, đọc báo chúng ta sẽ lại được đọc những bài báo viết về nạn tắc đường, bàn về giải pháp giao thông đô thị, chứ không phải là những ca bệnh gia tăng, những người trốn cách ly.
Hai tháng không quá dài nhưng nó cũng khiến người ta thèm thấy phố phường đông đúc. Mong sao một ngày gần đây lại gặp cảnh tắc đường, vì đó chính là lúc Hà Nội hết dịch bệnh. Bao lâu nữa Hà Nội mới trở lại đúng với hình hài của một thành phố sôi động sẽ phụ thuộc nhiều vào ý thức của mỗi người.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội đủ hàng hóa thiết yếu, người dân không phải lo lắng mua tích trữ

Chiều tối 31-3, trước hiện tượng người dân có xu hướng mua hàng tích trữ, Sở Công Thương Hà Nội đã lên tiếng khẳng định, các hệ thống phân phối bán nhu yếu phẩm của Hà Nội vẫn mở cửa hoạt động bình thường và dự trữ hàng hóa bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-roi-se-lai-tac-duong-d120828.html