Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng

05/07/2022 19:05

Kinhte&Xahoi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết trong tuần qua (tính từ ngày 27/6 đến 1/7), thành phố ghi nhận 52 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,3 lần so với tuần trước.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã có 175 ca mắc sốt xuất huyết (giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2021), chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Trong tuần qua đã ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 3 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã có 7 ổ dịch sốt xuất huyết tại 4 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Đan Phượng. Hiện còn 5 ổ dịch đang hoạt động.

Đẩy mạnh phòng chốngdịch bệnh sốt xuất huyết Dengue

Nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn TP như Bạch Mai, Nhi Trung ương, Bệnh nhiệt đới Trung ương... đã ghi nhận các ca sốt xuất huyết diễn biến nặng (sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi...) có dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam.

Các bác sĩ dự báo số ca nhập viện sẽ tăng trong thời gian tới, khi tại Hà Nội và miền Bắc, sốt xuất huyết đang bắt đầu vào vụ dịch và đỉnh điểm của dịch dự báo sẽ vào tháng 8.

Tuần qua, thành phố cũng có thêm 139 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gần 29% so với tuần trước đó).

Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố đã có 968 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021).

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trong thời gian tới, theo CDC Hà Nội, ngành Y tế thành phố tiếp tục tăng cường giám sát, điều tra xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác.

Cùng với đó, giám sát, đánh giá định kỳ các chỉ số côn trùng, giám sát vệ sinh môi trường tại khu vực ổ dịch cũ, ổ dịch phức tạp, từ đó phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan và bùng phát tại cộng đồng.

Qua nhiều trường hợp sốt xuất huyết do có yếu tố dịch tễ từ miền Nam - nơi có dịch sốt xuất huyết đang lưu hành, các bác sĩ khuyến cáo người dân trở về từ miền Nam khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người... cần phải được đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng của sốt xuất huyết như sốc, suy đa tạng, chảy máu…

Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/so-ca-mac-sot-xuat-huyet-tay-chan-mieng-gia-tang-200314.html