Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

16/06/2021 17:10

Kinhte&Xahoi Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Huyện Thanh Trì phấn đang gấp rút triển khai những tiêu chí còn thiếu để từng bước lên quận, trong đó đặc biệt chú trọng về môi trường. (Ảnh: TTVHH)

Hạ tầng còn sơ sài

 Theo Quyết định phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến 5 huyện của Hà Nội sắp lên quận gồm: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng. Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại, các địa phương này nếu không có giải pháp cụ thể, đưa ra những chính sách quản lý môi trường trước khi chuyển đổi sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, ngay từ khi mới chỉ là làng, xã, tình trạng ô nhiễm môi trường đã rất đáng lo ngại.

Tại huyện Đông Anh, những năm qua đã xử lý, giải quyết được các điểm nóng, điểm đen về ô nhiễm môi trường. Công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt được từng bước cơ giới hóa, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom đạt tỷ lệ trên 98%... Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đông Anh, trên địa bàn huyện hiện có 5 khu sản xuất công nghiệp tập trung và hơn 200 hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ ngoài khu công nghiệp. Trong khi đó, huyện mới xử lý được khoảng 20% lượng nước xả thải.

Tại làng nghề sản xuất gỗ xã Vân Hà, chăn nuôi tại xã Kim Nỗ, làng nghề sản xuất bún Mạch Tràng, xã Cổ Loa… ô nhiễm môi trường nước, không khí vẫn còn tái diễn. Chất lượng thu gom chất thải và các sản phẩm thải bỏ chưa tốt, do chưa thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Tương tự, huyện Hoài Đức có 52/54 làng nghề truyến thống, trong đó có nhiều làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, bánh kẹo, dệt may. Tuy nhiên, quá trình sơ chế nguyên liệu, chất thải chưa qua xử lý được đổ thẳng ra kênh mương khiến một số kênh đen đặc, bốc mùi hôi nồng nặc. Môi trường của các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế vẫn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tốc độ đô thị hóa cao cùng sự gia tăng dân số cơ học và mật độ công trình xây dựng có thể tạo thêm gánh nặng cho môi trường. Theo GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, khi thực hiện chuyển đổi lên quận, mật độ dân cư tăng lên, các hoạt động sản xuất dịch vụ tăng lên, rác thải, nước thải, khí thải và rất nhiều nguồn phát thải gây ô nhiễm khác sẽ tăng.

“Hiện nay, các làng nghề tại một số các huyện ngoại thành đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn còn sơ sài và thiếu các nhà máy, trạm xử lý nước thải. Cho nên, trước khi lên quận thì phải đầu tư thêm nguồn lực để xây dựng hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đô thị. Các huyện có khu công nghiệp phải chú trọng thu gom rác thải, phân loại rác tại nguồn, xử lý ô nhiễm, tính toán thêm diện tích cây xanh" - GS.TS Đặng Kim Chi nhìn nhận.

Cầu Đông Trù kết nối huyện Đông Anh với Trung tâm Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hùng)

Cần đi trước đón đầu

 Thực tế cho thấy, mặt trái của quá trình đô thị hóa có thể làm trầm trọng hơn những vấn đề ô nhiễm môi trường đang hiện hữu ở các địa phương. Bởi vậy, đi trước, đón đầu để hoạch định những chính sách quản lý môi trường trước khi các huyện lên quận là một hướng phát triển bền vững.

Theo lãnh đạo huyện Đông Anh, trước những thách thức mới trong công tác bảo vệ môi trường, huyện đã chủ động xây dựng, đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án phát triển hạ tầng xử lý nước thải, quản lý ao hồ, trồng và quản lý cây xanh… Đồng thời, tăng cường đầu tư, kêu gọi đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đông Anh phấn đấu đạt 100% các khu, cụm công nghiệp phải được đầu tư và xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường, tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý đúng quy định đạt 100%, diện tích không gian xanh đô thị từ 10m2/người trở lên… Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Đông Anh cũng bày tỏ mong mỏi, các cấp có thẩm quyền sớm tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải đã được quy hoạch trên địa bàn.

Còn huyện Thanh Trì cũng đang gấp rút triển khai các tiêu chí còn thiếu để từng bước lên quận, trong đó đặc biệt chú trọng về môi trường. Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, cùng với các đề án được đẩy mạnh, huyện đã đề xuất với TP đẩy nhanh tiến độ di dời các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang được TP Hà Nội giao đất, cho thuê đất thuộc 17 ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch trên địa bàn huyện. Đặc biệt là có kế hoạch di dời đối với các hộ gia đình đang sinh sống ven tuyến sông Nhuệ gây ảnh hưởng đến dòng chảy khi mùa mưa lũ đến.

"Các địa phương chuẩn bị lên quận cần có sự chuẩn bị trước về kịch bản môi trường để sẵn sàng phương án ứng phó. Đặc biệt, cần đi trước một bước so với các quy hoạch của hạ tầng kỹ thuật đô thị, trên cơ sở dự báo mức tăng cơ học của dân số, mật độ dân cư tại từng địa bàn, tốc độ tăng trưởng kinh tế, xu hướng phát triển của các hoạt động xã hội kèm theo" - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường, GS.TS Nguyễn Thế Chinh.

 Hà Ánh - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bổ sung quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/cac-huyen-chuan-bi-len-quan-thach-thuc-lon-ve-moi-truong-423792.html