Tổng cục Hải quan vừa có công văn hỏa tốc gửi Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo nếp.

Từ 0h ngày 23/4, Tổng cục Hải quan tiếp nhận tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo nếp. (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, Tổng cục Hải quan thiết lập trên hệ thống VNACCS/VCIS để các doanh nghiệp đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo nếp, thóc nếp và tấm nếp. Thời gian thực hiện đăng ký tờ khai từ 0h ngày 23/4.

Tổng cục hải quan cho biết để hỗ trợ hệ thống phân biệt, theo dõi lượng hàng xuất khẩu đối với các mặt hàng gạo khác, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nếp ghi rõ mã số hàng hóa là 1006.30.30 tại ô mã số hàng hóa trên tờ khai hải quan.

Tại ô mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan, người khai hải quan cũng khai rõ là gạo nếp.

Trường hợp xuất khẩu thóc nếp và tấm nếp, người khai hải quan ghi rõ mã số hàng hóa là 1006.30.30.

Tại ô mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan, thóc nếp được ghi rõ là thóc nếp và mã số hàng hóa là 1006.10; tấm nếp cũng ghi rõ là nếp tấm với mã số hàng hóa là 1006.40.

Đặc biệt, số lượng thóc nếp, gạo nếp và tấm nếp xuất khẩu không tính trong hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn của tháng này.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý với đề xuất của các Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc cho phép xuất khẩu gạo nếp trong tháng 4 theo nhu cầu của thị trường, không chịu sự điều chỉnh của cơ chế điều hành xuất khẩu gạo.

Phó Thủ tướng cho phép tạm ứng trước hạn ngạch xuất khẩu gạo là 100.000 tấn để xử lý cho các doanh nghiệp có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan.

Vẫn theo Tổng cục Hải quan, tính đến hôm nay 22/4, đã có 107.880 tấn gạo thực xuất trong tổng 400.000 tấn gạo trong hạn ngạch đăng ký xuất khẩu của tháng 4/2020.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chuyển đổi xu hướng tiêu dùng trong dịch Covid-19

Trong dịch Covid - 19, khi giá thịt lợn chưa có chiều hướng giảm, người tiêu dùng đang dần thay đổi cơ cấu bữa ăn, chuyển sang sử dụng thịt và trứng gia cầm thay cho thịt lợn. Đây chính là cách tiết kiệm chi tiêu, đồng thời chung tay hỗ trợ người chăn nuôi gia cầm tiêu thụ sản phẩm.

Theo VTC News/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/hai-quan-tiep-nhan-to-khai-xuat-khau-gao-nep-tu-0h-ngay-23-4-d122749.html