Hàng hiệu xuất dư: Ở đâu lắm thế?

18/07/2020 10:40

Kinhte&Xahoi Chỉ một từ khóa đơn giản “hàng hiệu xuất dư” trên google, khách hàng có thể dễ dàng tìm được hơn 37 triệu kết quả. Trên khắp các trang mua sắm trực tuyến lớn từ Shopee, Lazada đến mạng xã hội facebook, zalo việc tìm kiếm một sản phẩm hàng hiệu từ nước hoa, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, quần áo, giầy dép… của một thương hiệu nổi tiếng được quảng bá là hàng hiệu xuất dư hoặc hàng tester vô cùng dễ dàng.

Chỉ một từ khóa đơn giản “hàng hiệu xuất dư” trên google, khách hàng có thể dễ dàng tìm được hơn 37 triệu kết quả. Trên khắp các trang mua sắm trực tuyến lớn từ Shopee, lazada đến mạng xã hội facebook, zalo việc tìm kiếm một sản phẩm hàng hiệu từ nước hoa, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, quần áo, giầy dép… của một thương hiệu nổi tiếng được quảng bá là hàng hiệu xuất dư hoặc hàng tester vô cùng dễ dàng.

Đặc biệt là trong các loại mặt hàng quần áo thời trang, những sản phẩm mang nhãn mác thậm chí là mã vạch các thương hiệu thời trang quốc tế như H&M, Mango, Zara, Lacoste… càng như nấm mọc sau mưa.

Nhiều cửa hàng thời tràng xuất khẩu được mở ra tại các tuyến phố của Hà Nội. Ảnh minh họa. 

Hàng xuất dư cũng có hàng thật – hàng nhái

Hàng hiệu xuất khẩu, phổ biến là quần áo, giày dép, túi xách…, được các nhãn hiệu thời trang lớn trên thế giới như Lascote, Mango, Zara, Adidas… đặt gia công sản xuất tại Việt Nam sau đó xuất khẩu đi nước ngoài.

Đây là các sản phẩm có chất lượng cao do các nhãn hàng yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với các nhà máy gia công. Cụ thể, các sản phẩm này được sản xuất từ hệ thống máy móc hiện đại, trình độ nhân công cao, nguyên liệu, phụ kiện để tạo thành sản phẩm được nhập từ hãng, đồng thời sản phẩm được kiểm định liên tục trước, trong và sau quá trình sản xuất

Thông thường, các sản phẩm này chỉ để xuất khẩu, muốn bán ở trong nước phải nhập khẩu ngược trở lại. Đối với các vật liệu, sản phẩm còn dư, lỗi trong quá trình sản xuất, nhà máy phải xuất đi trả lại cho hãng hoặc tiêu hủy hoàn toàn theo quy định. Tuy nhiên, do nhiều lý do, hàng hiệu xuất khẩu vẫn được bày bán tại thị trường trong nước với tên thường gọi là hàng hiệu xuất dư.

Ưu điểm lớn nhất của hàng hiệu xuất dư là kiểu dáng và giá cả. Chị Thanh Huyền (Kim Mã, Hà Nội), một khách hàng trung thành với hàng hiệu xuất khẩu thâm niên 10 năm chia sẻ, "Hàng xịn, giá rẻ tội gì không dùng. Chẳng hạn một cái áo sơ mi zara giá web khoảng 1,2 triệu thì giá hàng xuất chỉ 300 – 350 nghìn đồng; hay túi đặt mua trên amazon của Coach có giá tầm 5 triệu thì mua hàng xuất dư chỉ tầm 1 triệu – 1,5 triệu. Sản phẩm có tem mác và mã vạch hẳn hoi chẳng khác gì hàng mua tại nước ngoài."

Tâm lý của chị Huyền cũng là tâm lý mua hàng chung của nhiều khách hàng hiện nay, với ý nghĩ hàng hiệu xuất khẩu là hàng xịn, chất lượng như xuất khẩu mà giá lại rẻ chỉ bằng 1/4 -1/3, nên hàng hiệu xuất khẩu nghiễm nhiên là lựa chọn hàng đầu của rất nhiều khách hàng.

Tuy nhiên nếu nhìn vào số lượng các cửa hàng thời trang xuất khẩu trên khắp các tuyến phố tại Hà Nội, khắp các gian hàng trên mạng xã hội, các trang mua sắm, người ta không thể không đặt câu hỏi "hàng xuất ở đâu mà lắm thế?"

Chị Lưu Hoa (chủ một cửa hàng chuyên bán quần áo xuất khẩu cho trẻ em tại Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết các hãng quần áo trẻ em xuất khẩu của Việt Nam chị hay bán là GAP, Carter’s, The Children Place, Jumping Beans, Crazy8, Gymboree cùng với nhiều hãng khác nữa. Hàng xuất khẩu cũng chia làm nhiều loại. Loại I được coi là "như hàng hãng" như hàng mẫu, hàng trên chuyền, hàng hải quan. Cũng có loại được gọi là "hàng nối chuyền" được tận dụng từ các nguyên liệu, phụ kiện còn thừa hoặc hàng lỗi bị cắt mác. 

 Trong 5 tháng đầu năm 2020, lực lượng QLTT cả nước phát hiện, xử lý trên 23.935 vụ vi phạm Kinh doanh hàng giả, hàng lậu, thu nộp ngân sách nhà nước trên 125 tỷ đồng. Mới đây, lực lượng QLTT tiếp tục kiểm tra mạnh nhiều ổ nhóm, tụ điểm hàng giả như tại TP. Hồ Chí Minh kiểm tra 3 lần tại chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, tấn công 2 hệ thống mỹ phẩm Ansan Cosmetics chuyên bán hàng lậu, thậm chí hàng giả; tại Hà Nội kiểm tra các cửa hàng Kinh doanh ở khu phố cổ.

Trước đó trong năm 2019, Tổng cục QLTT cũng đã tấn công vào những điểm nóng, đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm sản xuất, Kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn, mà theo như Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhận định "đó là những vụ lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được". 

Chị Hoa thừa nhận số lượng hàng xuất dư xịn rất ít vì nguyên tắc sản xuất hàng xuất khẩu được kiểm định nghiêm ngặt. Do đó việc nhập hàng lên (hàng copy) được các xưởng gia công bên ngoài với kiểu dáng y hệt hàng gốc và hàng nhái kiểu dáng được nhập từ Trung Quốc là điều không tránh khỏi. Quan trọng là phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Có mặt tại chợ Ninh Hiệp một trong những chợ đầu mối phân phối hàng thời trang lớn nhất miền Bắc, khách hàng sẽ không khó nhìn thấy quần áo thời trang của các thương hiệu ngoại như Zara, H&M, Adidas, Mango…, nhiều sản phẩm được gắn mác "Made in Việt Nam". Vậy đây có phải là hàng xuất không?

Đa số các sản phẩm được bày bán tại Chợ Ninh Hiệp đều có nguồn gốc nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) hoặc là hàng do các xưởng may gia công và gắn mác hàng hiệu với lời quảng cáo của chủ cửa hàng là "muốn tem gì gắn tem đấy". Như vậy từ các sản phẩm may gia công hay sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được gắn mác hàng hiệu, hàng xuất khẩu đã dễ dàng tới các cửa hàng thời trang và tới tay người tiêu dùng.

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Đánh vào tâm lý muốn mua hàng Việt Nam xuất khẩu mặc cho an toàn, chi phí phải chăng nên ngày càng có nhiều shop quần áo Made in Việt Nam mọc lên.

Tuy nhiên, không phải tất cả các cửa hàng đều bán quần áo Việt Nam xuất khẩu "xịn" cho dù những sản phẩm này được in tem, mác, nhãn hàng hóa rất giống với những thương hiệu nổi tiếng. Thực tế cho thấy, nhiều chủ cơ sở kinh doanh mặt hàng thời trang không chỉ nhập hàng từ Trung Quốc về Việt Nam bán mà các cửa hàng còn nhập ngay từ những nơi may gia công trong nước. Người tiêu dùng khó có thể nhận ra được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái, hàng giả… và nguy cơ mua phải hàng nhái rất lớn.

Theo khảo sát của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam năm 2019, trên thị trường có tới hơn 60% số hàng Việt Nam xuất khẩu được làm nhái các thương hiệu nổi tiếng. Trong đó quần áo, túi xách, giày dép, đồ gia dụng núp bóng hàng Việt Nam xuất khẩu chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Do đó, bên cạnh việc chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thời trang mang thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài có đúng với quy định của pháp luật hay không, có phải là hàng giả, hàng nhái hay không, thì để đảm bảo quyền lợi cho mình, khách hàng hãy là những người tiêu dùng thông thái.

Cơ quan quản lý là Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, người bán, đặc biệt khi mua hàng trên Internet để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang bày bán trôi nổi.

"Bí kíp" chọn hàng xuất "xịn"

- Hãy lựa chọn các cửa hàng thời trang uy tín. Nếu bạn thích hàng made in Việt Nam việc tìm hiểu và tới các thương hiệu Việt và các đại lý chính hãng sẽ giúp bạn thổi bay lo lắng về hàng giả hàng nhái.

- Những thương hiệu thời trang lớn như Dior, Gucci, Burberry… không thuê gia công tại Việt Nam nên nếu thấy các sản phẩm áo quần Made in Việt Nam nào mà có tem mác ghi thương hiệu các hãng này thì chắc chắn đây là hàng nhái.

- Hãy chú ý đến tem mác sản phẩm. Quần áo Việt Nam xuất khẩu xịn thường có từ 2-3 nhãn mác trở lên, có những sản phẩm 4-5 nhãn. Các nhãn mác này cung cấp đầy đủ thông tin về thương hiệu từ tên cho đến size, chất liệu, cách sử dụng, có thể gồm vài thứ tiếng.

- Hàng VNXK xịn rất ít quần áo kích cỡ nhỏ vì đối tượng phục vụ của các nhãn hàng chủ yếu là để xuất sang các nước phương Tây. Mặc khác, số lượng hàng xuất xịn rất hạn chế. Số lượng lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí muốn mua bao nhiêu cũng có thì rất có nguy cơ là hàng nhái

- Quan tâm đến chất vải và màu sắc sản phẩm. Hàng thật được in tinh xảo, không bị lem màu, không bị dính vào nhau khi gấp lại; đường chỉ nuột nà, đều, may cẩn thận, không bị bung chỉ 

Theo Tổ Quốc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TikTok - Ứng dụng có thực sự nguy hiểm?

Vừa qua, TikTok bị Ấn Độ "cấm cửa" cùng 58 ứng dụng khác của Trung Quốc. Mỹ cũng đe dọa sẽ cấm ứng dụng phổ biến này vì lý do an ninh quốc gia. Sự phổ biến của nó khiến nhà chức trách một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ, đặt câu hỏi về xuất xứ Trung Quốc cũng như khả năng gây ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc tới TikTok.

Link bài gốc http://vietq.vn/hang-hieu-xuat-du-o-dau-lam-the-d176381.html