Hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay

25/08/2019 09:47

Kinhte&Xahoi Những người trẻ thời hiện đại, đã có những lúc họ bị cho rằng “giới trẻ bây giờ ngày càng thờ ơ, vô cảm với thời cuộc đất nước”.

Họ là những thế hệ X-Y-Z thiếu lý tưởng sống, mải miết với những mục đích cá nhân, bào mòn tuổi trẻ vào vô bổ. Và đã có những lúc, người trẻ hiện đại bị đặt lên bàn cân với những lớp “thanh niên cầm súng”….

"Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?”

Thế hệ chúng tôi..

Xã hội càng phát triển, người trẻ thời hiện đại lại lo toan nhiều hơn, tiếp cận nhiều thứ mới hơn và bị chỉ trích nhiều hơn? Từ năm 2017, chúng ta đang có một thế hệ trẻ mà xã hội gọi đó là “thế hệ cúi đầu”, thế hệ dưới cơn lốc mạng xã hội, smart phone. Họ “cúi đầu” trước máy tính, trước điện thoại và ít giao tiếp.

- Bạn sử dụng mạng xã hội bao nhiêu giờ trên ngày?

- Mình không nhớ, chắc trừ lúc ngủ.

- Còn bạn, bạn có thường xuyên vào facebook hay MXH?

- Mình có, nhiều khi không vào không chịu được.

Vâng, đó là thế hệ chúng tôi đang sống, không ít câu chuyện như thế vẫn xảy ra ở các bạn trẻ, thậm chí học sinh, sinh viên. Một thế hệ mà người ta gọi là “thế hệ chỉ biết cúi đầu”, khi chúng tôi chỉ biết cúi đầu vào chiếc smartphone, cúi đầu vào những toan tính cá nhân, vào những câu chuyện riêng tư. Theo thống kê của We are Social vào tháng 1, lượng người Việt sử dụng Internet ngày tăng cao. Việt Nam đang có 64 triệu người (chiếm 67%) trên tổng số 96,02 triệu dân sử dụng Internet. Con số này tăng đến 28% so với tháng 1/2017. Ngoài ra, hiện có 55 triệu người dùng tích cực trên các mạng xã hội, độ tuổi 18-34 chiếm đến 64% tổng số người dùng mạng.

”Bác Hồ sinh năm bao nhiêu”? -

“1945 ạ, à không không 1969 ạ”.

-“Em học trường gì”?

-“Em học Nguyễn Du, là em Nguyễn Huệ”.

Những chiếc điện thoại thông minh, những mạng xã hội hàng triệu người dùng, những gói cước internet tốc độ cực đại 3G, 4G ra đời không chỉ để kết nối, rút ngắn khoảng cách xã hội, mà chúng đang biến nhiều người trẻ thành “nô lệ” của không gian mạng, của công nghệ, của giải trí trực tuyến. Người trẻ ít tìm hiểu lịch sử, văn hóa và các kiến thức khoa học. Lướt một vòng trên facebook, chủ đề chủ yếu là: cô đơn, tình cảm, thất tình, chán nản, ăn uống và bạo lực…

Những thứ được các bạn trẻ yêu thích mỗi ngày. Phải chăng, chúng tôi đang bị “nô lệ hóa chủ nghĩa cá nhân”, thờ ơ với các vấn đề lớn lên hơn của quốc gia, của lịch sử? Chúng ta là một phần máu thịt của dân tộc, là một phần của hi sinh lịch sử, con người.

Vì vậy, đừng hỏi “Tổ quốc đã làm gì cho ta”, vì máu xương ấy, hi sinh ấy, lịch sử ngàn năm đấu tranh ấy là sự đánh đổi để chúng ta được sống, được hòa bình, tự do. Thế nhưng, khi dân tộc hòa bình, nhiều người trẻ lại chọn cách trốn tránh, phủ nhận và chà đạp lên sự thiêng liêng ấy. Đơn cử việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân, đó là trách nhiệm cũng như thể hiện vai trò của mỗi cá nhân với dân tộc.

Nhưng không ít bạn trẻ đã tìm đủ con đường để “trốn trách” trách nhiệm đó bằng nhiều hình thức khác nhau. “Để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, một số thanh niên tại xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện thủ tục chuyển khẩu đi nơi khác”. “Giả điếc để được miễn nghĩa vụ quân sự”, “giả bệnh để trốn nghĩa vụ quân sự”.
 
Những câu chuyện không hiếm ở bất cứ đâu! Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19 tháng 1 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:”Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?”

Đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn với nhau rằng, thế hệ trẻ cần “làm gì” để phát triển nước nhà, để xứng đáng với sự hi sinh của dân tộc cho cuộc sống của chúng ta. Nếu bạn còn đang đi học, thì đương nhiên ưu tiên số một là học. Bạn đi làm thì ưu tiên số một là đi làm.

Nhưng có lẽ là nhiều bạn có câu hỏi: “Tôi làm gì để giúp phát triển đất nước?”. Có lẽ đối với mỗi người chúng ta, đất nước là gì quá to lớn và xa xôi, ta cảm thấy nhỏ bé khó có thể làm được gì cho đất nước. Và đôi khi ta cảm thấy như giữa ta và đất nước không liên hệ gì mấy.

Nhưng, cũng như gia đình chỉ là một nhóm của vài người mẹ, cha, mấy anh chị em - đất nước cũng chỉ là một nhóm của hơn 90 triệu người. Đông hơn thì có, nhưng quy tắc vẫn là các cá nhân chụm lại mà thành. Nếu tất cả mọi người đều tốt, đều giàu mạnh, đều giỏi giang… thì đương nhiên là cả nước sẽ tốt, sẽ giàu mạnh, sẽ giỏi giang…

“Em ơi em đất nước là máu xương của mình...”

Mở đầu bài Những dòng sông, Bế Kiến Quốc từng viết: Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng? Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…

Yêu Tổ quốc là yêu và trân trọng nguồn cội, con người, lịch sử văn hóa đã nuôi dưỡng, bồi đắp chúng ta. Là chúng ta biết về thời cuộc, về những vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội, những khó khăn mà dân tộc đang trải qua. Là trân trọng thành quả của cả một dân tộc gây dựng và phát triển.

Tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm với Tổ quốc là thứ tình yêu bản năng có từ trong máu thịt. Nếu bạn còn đang đi học, thì đương nhiên ưu tiên số một là học. Bạn đi làm thì ưu tiên số một là đi làm. Nhưng có lẽ là nhiều bạn có câu hỏi: “Tôi làm gì để giúp phát triển đất nước?”.

Tuy vậy, “Đất nước” với mỗi người vẫn là điều khá to lớn và xa xôi. Sẽ có những người cảm thấy mình nhỏ bé và không biết phải làm gì cho đất nước. Nhưng, hãy nhìn rộng ra, dân tộc như một gia đình, một vài cá nhân phát triển gia đình cũng giống một tập thể hơn 90 triệu người chụm lại. Đất nước không ở đâu xa, dân tộc chúng ta là đồng bào ta họp lại. Nếu tất cả mọi người đều tốt, đều giàu mạnh, đều giỏi giang… thì đương nhiên là cả nước sẽ tốt, sẽ giàu mạnh, sẽ giỏi giang…

Yêu Tổ quốc thì sẽ cố gắng học tập để phục vụ Tổ quốc, cố gắng lao động để xây dựng Tổ quốc, cố gắng bảo vệ môi trường, giữ gìn từng tấc đất, mét biển của Tổ quốc. Có những thế hệ thanh niên bền bỉ cống hiến tuổi trẻ để xây dựng và phát triển những điều tử tế nhất cho dân tộc.

Nhiếp ảnh gia Hùng Lekima (Nguyễn Việt Hùng) trong hành trình 7000km xuyên Việt của anh để “săn” rác thải nhựa, là người đã chụp nhiều bức ảnh về rác thải nhựa để báo động về vấn nạn rác thải, kêu gọi sống xanh, trả lại môi trường trong sạch cho biển cả trên hành trình đi xe máy xuyên Việt của mình. Thức tỉnh chúng ta, không phải là sống cho mình như thế nào mà là “thay đổi xã hội” như thế nào.

Là Nguyễn Anh Tuấn sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo thuộc xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, Nghệ An với hành trình “đưa tri thức về vùng quê nghèo” bằng những Ngôi nhà trí tuệ. Với tham vọng “xóa bỏ khoảng cách tri thức trẻ em thành thị và nông thôn”. Là thạc sỹ Nông nghiệp người Mông Giàng Seo Châu, nỗ lực trở về thay đổi quê hương, giúp bà con dân tộc thoát nghèo bằng nông nghiệp.

Một hành trình nỗ lực học tập, cống hiến, phát triển vùng đất Si Ma Cai, Lào Cai. Hàng trăm câu chuyện, nghìn con người trẻ vẫn ngày đêm không ngừng nỗ lực để cống hiến một phần nhỏ bé cho sự nghiệp chung của đất nước.

Với mỗi người trẻ, không phải cứ là quan chức, đại gia, tỷ phú mới giúp ích cho đất nước. Không cần quan tâm đến địa vị vì với đất nước, chúng ta bình đẳng, ai cũng góp sức như ai. Hãy xuất phát điểm bằng tình yêu trong sáng, rộng lượng, từ chính những điều đơn giản nhất. Phát triển bản thân tốt cũng là giúp đất nước tốt, nhiều cá nhân tốt thì Tổ quốc sẽ thịnh.

Nhiều người trẻ có tâm lý “sính ngoại”, phê phán và coi thường chính nơi mình sinh ra. Chắc chắn không ai chối bỏ bản thân mà có thể được người khác đón nhận nồng nhiệt. Mỗi quốc gia, dân tộc đều có những câu chuyên riêng và chúng ta hãy cùng nhau giải quyết bằng sự nhiệt thành. “Tương lai không còn trên tay thế hệ chúng tôi nữa. Nó là của tuổi trẻ và phải tin ở tuổi trẻ…”, xin mượn lời của nhà văn Nguyễn Văn Thọ để thay cho lời kết: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”?

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thu hồi kem trắng da, trị mụn chứa chất cấm có hại cho da

Ngày 19/8, Cục quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn số 13973/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt chất lượng tiêu chuẩn đối với 2 lô sản phẩm: Sản phẩm Bảo Lâm trắng da ngừa trị mụn và Sản phẩm Kem 3 tác dụng Trúc Mai.

Khi review “giết” doanh nghiệp

Chuyện review (tạm dịch là phản hồi) để phản ảnh chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã trở thành một phần không thể thiếu trong câu chuyện “mua - bán” hiện nay. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lao đao vì vài dòng review như thế.

Nguồn: Pháp luật Plus