Hoàng Phúc phân phối loạt hàng hiệu nghi trốn thuế cả hệ thống?

15/06/2019 10:27

Kinhte&Xahoi Hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Kappa, EckoUnltd, Dr. Martens… do Công ty Hoàng Phúc phân phối tại các trung tâm thương mại lớn có dấu hiệu trốn thuế khi không xuất hóa đơn GTGT cho khách hàng?

Tòa soạn nhận được thông tin phản ánh từ người tiêu dùng về việc mua sản phẩm thương hiệu Kappa, Ecko, Dr. Martens… tại các trung tâm thương mại lớn nhưng lại không xuất hóa đơn GTGT, khách hàng nghi ngờ các thương hiệu này phân phối có dấu hiệu trốn thuế?

Một cửa hàng của Công ty TNHH Hoàng Phúc Quốc tế.

Theo thông tin phản ánh, PV đã vào cuộc tìm hiểu về hoạt động kinh doanh phân phối của chuỗi cửa hàng trên. Được biết, các chuỗi cửa hàng này thuộc Công ty TNHH Hoàng Phúc Quốc tế (Hoàng Phúc), trụ sở tại 137 Nguyễn Trãi, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM, thành lập năm 1994.

Để tìm hiểu rõ hơn nhóm PV đã tiến hành ghi nhận và mua sản phẩm tại các trung tâm Hoàng Phúc phân phối. Gian hàng Hoàng Phúc tại Royal City 72 Nguyễn Trãi, P.Thượng Đình, Q.Thanh Xuân bày bán rất nhiều sản phẩm thương hiệu Kappa, Ecko Unltd gồm: Quần áo, giày dép, phụ kiện…

Ngày 31/1/2019, PV đã mua các sản phẩm giày Kappa K0725MM21 giá 599 nghìn đồng và giày Ecko Unisex giá 689 nghìn đồng ngày 18/4/2019. Tuy nhiên, khi thanh toán trên hóa đơn các sản phẩm này đều không có hóa đơn GTGT theo quy định pháp luật. Mặc dù, trên phiếu thanh toán, Hoàng Phúc ghi rất rõ “Vì quyền lợi, quý khách vui lòng nhận hóa đơn khi thánh toán” nhưng hóa đơn khách hàng nhận được chỉ là phiếu thu bảo hành đổi trả sản phẩm chứ không phải hóa đơn GTGT.

Phiếu thanh toánghi rất rõ “Vì quyền lợi, quý khách vui lòng nhận hóa đơn khi thánh toán” nhưng hóa đơn khách hàng nhận được chỉ là phiếu thu bảo hành đổi trả sản phẩm chứ không phải hóa đơn GTGT.

Tại tầng G Trung tâm thương mại The Garden, Q. Nam Từ Liêm. Tại đây, PV đã mua các sản phẩm: Nón Kappa giá 390 nghìn đồng vào ngày 18/4/2019, áo Ecko giá 390 nghìn đồng ngày 16/5/2019. Cũng như các sản phẩm mua tại Royal City, tại đây các sản phẩm Hoàng Phúc cũng không xuất hóa đơn GTGT.

Mặt khác, tại The Garden, cách thanh toán khi mua hàng tại Hoàng Phúc thể hiện nhiều nghi vấn. Sau khi khách hàng mua sản phẩm, nhân viên thu ngân chỉ in phiếu thu, tiếp đó dẫn khách hàng ra quầy ngoài sảnh tòa nhà để thanh toán tiền. Tại đây, nhân viên The Garden tiếp tục in phiếu tính tiền theo gian hàng và trên hóa đơn cũng không thể hiện đã bao gồm VAT.

Khi hỏi nhân viên Hoàng Phúc cho biết, hầu hết các gian hàng kinh doanh trong The Gander đều có cách thanh toán như vậy: “Hầu hết các gian hàng tại tòa nhà đều do tòa nhà thu tiền hộ và cuối tháng trả lại các quầy theo doanh thu”. Tuy nhiên, tại sao không xuất hóa đơn GTGT theo quy định thì các nhân viên này đều không trả lời được.

Sau khi khách hàng mua sản phẩm, nhân viên thu ngân chỉ in phiếu thu, tiếp đó dẫn khách hàng ra quầy ngoài sảnh tòa nhà để thanh toán tiền.

Ngoài ra, để xác minh thêm thông tin, ngày 20/5, PV đã liên hệ qua số điện thoại (028)39151xxx trên Website chính thức Hoàng Phúc https://hoang-phuc.com/ để mua sản phẩm Superga Giày Moccasin Nam S00EM40-XH1. Nhân viên CSKH cho biết, sản phẩm trên có giá 990 nghìn đồng, đã bao gồm VAT. PV yêu cầu chuyển sản phẩm cùng hóa đơn GTGT tới cho khách hàng thì nhân viên này thông báo “Để em kiểm tra lại xem sản phẩm này có xuất được hóa đơn và báo lại chị?”. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua PV vẫn không hề nhận được cuộc gọi nào từ Hoàng Phúc, mặc dù đã để lại thông tin cá nhân.

Tại sao nhân viên Hoàng Phúc lại trao đổi sản phẩm đã bao gồm VAT nhưng lại mất hút khi khách hàng yêu cầu xuất hóa đơn cùng sản phẩm?

Theo thông tin tìm hiểu, hiện tại hệ thống cửa hàng Hoàng Phúc có hơn 100 gian hàng trên cả nước, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Các gian hàng này phân phối một loạt thương hiệu nổi tiếng gồm: Kappa, Ecko Unldt , Dr. Martens, Clarks, Replay, Superga, Staple.

Hoàng Phúc có số lượng gian hàng rất lớn tại các trung tâm thương mại nổi tiếng cho thấy nguồn tiêu thụ sản phẩm không hề nhỏ. Tuy nhiên, việc không xuất hóa đơn đỏ cho khách hàng là dấu hỏi lớn về nguồn gốc xuất xứ cũng như dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp?

Những nghi vấn trên PV xin gửi tới các cơ quan chức năng về Tổng cục thuế, Hải Quan, Công an Kinh tế… để có câu trả lời sớm nhất tới bạn đọc.

Trước đó, liên quan đến Hoàng Phúc, năm 2017 người tiêu dùng cũng đã nghi ngờ rất nhiều về nguồn gốc của sản phẩm này sau khi Khai Silk bán hàng Trung Quốc. Do sản phẩm Hoàng Phúc đã gắn mác “Born in Italy” nhưng lại có thêm mác "Made in China” bên trong. Trước thông tin đó, đại diện Hoàng Phúc lý giải rằng “Bởi chúng tôi ký hợp đồng với thương hiệu Kappa sẽ lấy hàng từ nơi gia công tại Trung Quốc là chuyện rất bình thường. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và luật pháp Việt Nam”.

Theo quy định lập phiếu xuất hóa đơn GTGT tại điểm b, khoản 2, Điều 16 năm 2014 của Chính phủ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

Trường hợp tổ chức bán hàng có đơn vị trực thuộc có mã số thuế trực tiếp bán hàng thì ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị trực thuộc. Trường hợp đơn vị trực thuộc không có mã số thuế thì ghi mã số thuế của trụ sở chính.

Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.

Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hóa đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Kinh tế Môi trường/ GĐ&PL