Không có thiết bị trong tay, học sinh đang dần phải bỏ học

11/11/2021 14:56

Kinhte&Xahoi Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn sáng 11/11, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn xung quanh chất lượng dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trước khi quan tâm đến chất lượng thì một trong vấn đề rất mong các địa phương chia sẻ, quan tâm là số học sinh không có thiết bị trong tay đang dần phải bỏ học. Thực tế đó là vấn đề cấp bách hơn.

Trên 1,8 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị để học trực tuyến

 Làm rõ băn khoăn của các đại biểu về chất lượng học tập của 53,9% học sinh gia đình khó khăn không thể tham gia học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, việc chuyển sang dạy học trực tuyến không phải chỉ riêng Việt Nam. Đây là việc cả thế giới phải làm.

Đối với Việt Nam, dù có kinh nghiệm trong các đợt dịch trước nhưng bước vào năm 2021, quy mô, tính chất, thời gian phải thực hiện chưa từng có trong tiền lệ. Nhiều nước phát triển khi chuyển sang dạy học trực tuyến toàn thời gian cũng không tránh khỏi những thách thức.

Theo thống kê, không phải 1,5 triệu mà hơn 1,8 triệu học sinh Việt Nam không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Có gia đình hai, ba anh chị em mới có một cái điện thoại để học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng bày tỏ: Đây là việc bất đắc dĩ để ứng phó nên trước khi quan tâm đến chất lượng, thì một trong vấn đề rất mong các địa phương chia sẻ, quan tâm, đấy là số học sinh vì không có thiết bị trong tay đang dần phải bỏ học.

Đó là vấn đề còn cấp bách hơn trước khi đánh giá xem các cháu học được gì qua đợt học trực tuyến vừa rồi, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, một số nơi việc học còn ở mức độ là để "duy trì cảm giác" về học tập, việc đón nhận tư duy trong học tập và được phần nào thì tốt phần đấy.

Cũng có một điều đáng mừng là những vùng khó khăn hàng đầu như khu vực Tây Bắc, thời gian vừa qua lại được đến lớp học trực tiếp...

Để đánh giá được chất lượng học trực tuyến, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành Giáo dục thường xuyên theo dõi các đơn vị dạy đến đâu, dạy như thế nào, tương tác ra sao, khó khăn như thế nào?

Bộ cũng tổ chức hỗ trợ về trang thiết bị máy tính và các thiết bị học tập. Thời gian vừa qua, toàn ngành đã huy động hỗ trợ được trên 14 vạn thiết bị và trong tháng 11, khoảng trên 5 vạn máy tính sẽ được phân phối.

Để đánh giá kết quả, mức độ đạt được của dạy học trực tuyến đầy đủ cần một cuộc điều tra và khảo sát khi các cháu quay lại trường. Tuy nhiên, chắc chắn việc học trực tuyến có những thách thức và có ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Củng cố kiến thức khi học sinh trở lại trường

 Bộ trưởng cho biết, trong Công văn 4808, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị bổ sung, củng cố kiến thức khi học sinh quay lại trường.

Theo đó, Bộ yêu cầu nhà trường không được đánh giá ngay kiến thức mà việc đầu tiên phải là giúp các em làm quen với môi trường trường học; Học cách tự phòng chống dịch cho bản thân, lấy lại tinh thần, tâm lý thư thái.

Việc củng cố chất lượng khi học sinh quay trở lại trường sẽ căn cứ vào các nội dung chương trình cốt lõi. Tinh thần là khi học sinh đã quay trở lại trường học trực tiếp cũng không bỏ các bài giảng trên truyền hình và công cụ dạy học trực tuyến đã có, tránh tình trạng cực đoan đến lớp rồi thì bỏ hết thì công cụ hỗ trợ.

Nhiều học sinh đang khó khăn khi học trực tuyến và đang được ngành Giáo dục khắc phục

Khi học sinh quay lại trường học, giáo viên có trách nhiệm đánh giá xem các em trong lớp trình độ đến đâu để phân ra các nhóm bởi có em thiết bị tốt, bố mẹ kèm tốt sẽ chắc kiến thức hơn những em thiết bị phập phù, bố mẹ bận rộn quá.

Như vậy cần một giải pháp tổng thể về phương diện chuyên môn, tăng cường các trang thiết bị, phương diện tư vấn tâm lý để hỗ trợ, bổ trợ cho các em có sự chênh lệch kiến thức và kỹ năng sau một thời gian dài học trực tuyến.

Tăng cường giáo dục kỹ năng mềm khi học sinh trở lại trường

 Nêu quan điểm về giáo dục, rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các yêu cầu về năng lực và các kỹ năng là các rất quan trọng. Mục tiêu trong đổi mới phải cần tăng cường các phương diện này. Dạy học trực tuyến trong thời gian vừa qua cũng tác động ảnh hưởng đến việc trang bị các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mà chỉ được hình thành thông qua tương tác trực tiếp, trực quan.

Ngành cũng nhận thấy đây là điểm mà dạy học trực tuyến chưa thể và khó có thể thay thế được cho dạy học trực tiếp. Trong thời gian nếu như học sinh quay trở lại được trường, một trong những việc cần đặc biệt phải tăng cường là trang bị các kỹ năng mềm và cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc hỗ trợ trang bị các kỹ năng.

Bộ trưởng cho rằng, nếu dịch kéo dài và tiếp tục phải dạy học trực tuyến thì việc đầu tiên cần phải củng cố, tăng cường là hạ tầng về công nghệ thông tin, trang thiết bị. Các bài giảng trên truyền hình cần phải được tiếp tục thực hiện.

Đối với việc thanh, kiểm tra, giám sát phải rà soát làm sao để thực hiện theo đúng thông tư quy định, hướng dẫn của Bộ trong việc đảm bảo thời gian, nội dung chương trình giảng dạy.

Một việc rất quan trọng là phải tăng cường hỗ trợ về mặt tâm lý, tư vấn, sức khỏe để tránh sự căng thẳng của học sinh. Bộ cũng đang tiến hành chuẩn bị các văn bản hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho phù hợp với tình hình dạy học trực tuyến kéo dài.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chủ động nguồn hàng để bình ổn thị trường

Nhằm đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2022, ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị cung ứng tăng lượng hàng dự trữ, không để khan hàng, tăng giá dịp cuối năm.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khong-co-thiet-bi-trong-tay-hoc-sinh-dang-dan-phai-bo-hoc-182708.html