Không để giáo dục mầm non tư thục "chết lâm sàng"

29/10/2021 14:32

Kinhte&Xahoi Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đang “dở khóc dở cười” sau nhiều tháng phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Không có nguồn thu, đồng nghĩa với việc không có tiền trả lương cho giáo viên (GV), nhiều cơ sở phải đóng cửa, chuyển chỗ mới có giá mặt bằng rẻ hơn,..

Khó khăn, chật vật sau nhiều tháng đã khiến các chủ trường mầm non tư thục kiến nghị tìm giải pháp tháo gỡ tình thế "chết mòn”.

Nhiều trường bắt đầu từ con số 0

Sau nhiều tháng tạm ngưng đóng cửa trường học do dịch bệnh Covid-19, những GV tại trường mầm non tư thục đã phải “ngậm đắng nuốt cay” khi không có bất kỳ khoản thu nhập nào.

Khó khăn “bủa vây” khi nhiều tháng đóng cửa trường học để chống dịch, GV thất nghiệp, không có công ăn việc làm, không có nguồn thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình; Tiền thuê mặt bằng trở thành nỗi lo dai dẳng, trường lớp xuống cấp sau nhiều tháng không hoạt động, không có người... Đó là thực trạng của các trường mầm non tư thục, trong đó có trường Mầm non Chất lượng cao Little Sunshine - Nhật Mai (Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) đã và đang gặp phải.

Trường mầm non tư thục im lìm giữa mùa dịch. Ảnh: Hoàng Thanh

Cô Lê Hồng Nhung - chủ trường Mầm non Chất lượng cao Little Sunshine - Nhật Mai chia sẻ: “Tôi có 3 cơ sở mầm non tư thục với hơn 30 GV, tuy nhiên, vì không có thu nên không thể chi hỗ trợ GV trong nhiều tháng mà chỉ hỗ trợ được tháng đầu tiên. Các cô đã tự kiếm thêm thu nhập bằng cách bán hàng online, làm giúp việc, công nhân.....”.

Để vực dậy sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, là chủ trường, cô Lê Hồng Nhung vẫn phải gồng gánh hết mọi việc. “Đây như một cuộc đào thải, trường nào không gồng được thì đóng cửa. Riêng bản thân tôi, dường như mất hết nhưng vẫn phải vay mượn nhiều nơi, thậm chí vay nặng lãi để trang trải, sửa sang trường lớp, mua sắm cơ sở vật chất. Tôi lại bắt đầu từ con số 0”.

Cô Lê Hồng Nhung đến với nghề giáo hơn 10 năm và vẫn rất yêu nghề, vì vậy, cô mong muốn các Bộ, ban, ngành có chính sách, tạo điều kiện để các chủ trường vay vốn với lãi suất thấp, nhằm  sửa sang trường lớp, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị để sớm đi vào hoạt động.

Hai năm qua, trải qua nhiều đợt hoạt động rồi lại dừng, dừng rồi lại hoạt động vì dịch Covid-19 bùng phát, nhóm lớp mầm non độc lập Tuổi Thần Tiên (số nhà 15, ngõ Hòa Bình 6, Minh Khai, Hà Nội) của cô Nguyễn Hằng Nga cũng gặp không ít khó khăn, nhất là đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021 đến nay).

Cô Nga cho biết, đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của chúng tôi. Nhiều tháng qua, nhóm lớp lâm vào cảnh “cửa đóng then cài” nên không thể trả lương cho GV nhưng vẫn phát sinh các khoản chi phí khác. Thời gian này, nhóm lớp cũng không thể tuyển sinh được trẻ cho năm học mới, chuyện “giữ chân” giáo viên cũng khó. Vì vậy, trong lúc chờ đợi các cháu đi học, cô Nga đã sửa sang lại lớp khang trang hơn.

Nhiều trường cho biết, khó "giữ chân" giáo viên. Ảnh tư liệu

Thấu hiểu nỗi khổ của GV, cô Nga tâm sự: “GV nghỉ dịch đã nửa năm nay nên phải đi làm các công việc khác. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, tôi cũng bán hàng online và bán cơm nữa. Mong muốn của tôi khi các trường lớp hoạt động trở lại là Nhà nước tạo điều kiện như giảm các loại thuế, bảo hiểm cho nhân viên được ưu đãi,...”.

Việc hỗ trợ không chỉ ngày một, ngày hai, cũng không thể 1-2 triệu mà cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành để có chính sách lâu dài.

Cần thiết hỗ trợ

Được Nhà nước hỗ trợ nên các trường mầm non công lập dù phải tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19 nhưng không ảnh hưởng nhiều, còn các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đang “lao đao” vì phải tự chủ hoàn toàn. Chắc rằng, những cơ sở giáo dục nào không cầm cự được sẽ có nguy cơ phá sản, hoặc trường lớp hoạt động trở lại cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: Thực hiện kế hoạch 226/Kế hoạch số 226/KH-UBND ngày 16/8/2021 của UBND quận Ba Đình về thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 13/8/2021 của HĐND TP về việc quy định một số chính sách đặc thù của TP hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tính đến thời điểm hiện tại, quận Ba Đình đã hỗ trợ được 406 GV, nhân viên nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập và 41 chủ nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập. Phòng cũng đang phối hợp tiếp tục rà soát hồ sơ hỗ trợ đợt 2.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình. Ảnh: badinh.hanoi.gov.vn

Tại Hà Nội, Hội đồng nhân dân TP ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục.

Theo đó, từ tháng 10/2021, các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của TP Hà Nội được hỗ trợ 20-40 triệu đồng để trang bị cơ sở vật chất nhằm có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Mức hỗ trợ, đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập có quy mô dưới 3 nhóm lớp là 20 triệu đồng, từ 3 nhóm lớp trở lên là 40 triệu đồng.

Trước đó, Hà Nội quyết định một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có cán bộ, GV tư thục. Cụ thể, đối tượng được TP Hà Nội hỗ trợ gồm cán bộ, người lao động làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và không thuộc đối tượng được quy định tại chương IV Quyết định 23/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các trường mầm non tư thục tại TP HCM bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Ảnh: N.L

Vừa qua, nhiều chủ cơ sở mầm non tư thục tại TP HCM đã cùng nhau gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 bày tỏ mong muốn được nhận chính sách hỗ trợ đặc biệt dành cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực giáo dục tư thục mầm non trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid -19.

Dựa trên thư kiến nghị của hàng trăm cơ sở mầm non tư thục ở TP HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ GD-ĐT và các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề xuất những chính sách cụ thể, phù hợp và khả thi.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục mầm non tại TP HCM về chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.

Thủ tướng yêu yêu cầu Bộ GD-ĐT và các cơ quan có liên quan gồm: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất những chính sách cụ thể, phù hợp và khả thi.

Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, đề xuất cụ thể; báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trước ngày 1/11.

Trước đó, gần 100 trường mầm non tư thục ở TP HCM với hơn 200 cơ sở đã có thư (thư ký tên điện tử) kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đồng thời gửi UBND TP HCM, Sở GD&ĐT TP HCM…

Họ kiến nghị mong Chính phủ có các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư thục mầm non trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài.Trong thư kiến nghị, các trường mầm non đề xuất nhiều chính sách mong muốn được hỗ trợ.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong ngành giáo dục mầm non tư thục gồm nhiều điểm như: tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đáp ứng đủ Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học của Sở GD&ĐT TP HCM được sớm hoạt động trở lại. 


 Hùng Tâm - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nông sản từ các tỉnh, thành phố vào Hà Nội: Siết chặt quản lý chất lượng

Hiện nay, Hà Nội mới chủ động được 30-65% nhu cầu nông sản các loại, số còn lại được cung cấp từ các tỉnh, thành phố… Ngành Nông nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường kết nối, bảo đảm nguồn cung cho thị trường; đồng thời siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/khong-de-giao-duc-mam-non-tu-thuc-chet-lam-sang-d169540.html