Khuyến cáo người dân không nên tích trữ hàng hoá, nhu yếu phẩm tại TP. HCM

08/07/2021 07:00

Kinhte&Xahoi Việc người dân đổ xô đi tích trữ nhu yếu phẩm, có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, cũng như làm thiếu hụt cục bộ nguồn cung hàng hoá.

Tối ngày 7/7, tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 của TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM đã ban hành quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trước đó ngày 5/7, UBND thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cũng đã có quyết định áp dụng Chỉ thị 16 để thiết lập phong tỏa, cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 đối với toàn bộ phường Tân Phú. Quyết định có hiệu lực từ 0 giờ ngày 6/7 trong phạm vi toàn bộ phường Tân Phú (không bao gồm phần diện tích Khu công nghệ cao) gồm 6 khu phố, 47 tổ dân phố với diện tích 351 ha, dân số hơn 12.000 hộ với gần 354.00 nhân khẩu.

TP HCM họp báo ngày 07/7

Sau khi có thông báo chính thức, nhiều người dân đã đổ xô đi mua các mặt hàng thiết yếu về tích trữ. Tình trạng người dân chen nhau đến mua hàng, chủ yếu là các nhu yếu phẩm diễn ra khá nhiều trên diện rộng. Theo ghi nhận, những cửa hàng kinh doanh nhóm thực phẩm tươi sống, siêu thị nằm trong khu dân cư đông đúc, đang bị quá tải khi phục vụ khách đến mua sắm. Các siêu thị đã liên tục châm hàng hóa lên kệ, tăng cường nhân viên để đảm bảo sản phẩm luôn dồi dào, phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Ngày hôm nay 07/7, sau khi có thông báo chính thức về việc áp dụng chỉ thị 16 cho toàn TP HCM, lượng người mua sắm tại siêu thị Coopmart, Co.opXtra, Co.opFood tăng đột biến. Dự báo được xu hướng này, chúng tôi đã tăng trữ lượng từ 3 đến 5 lần đới với các mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, kể từ ngày 08/7, tùy vào tình hình thực tế tại từng địa phương, toàn bộ hệ thống Co.opmart, Co.opXtra trên địa bàn Thành phố sẽ tăng cường phục vụ người dân từ 6 giờ sáng, cho đến khi hết khách và có thể kéo dài đến 24 giờ mỗi ngày. Do đó, người dân có thể yên tâm không bao giờ thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách”.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op

Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm, tại Saigon Co.op đã xây dựng tổng cộng 6 kênh hỗ trợ tốt nhất nhu cầu mua sắm cho bà con trong mùa dịch. Cụ thể, khách hàng ngoài việc đến mua sắm trực tiếp như cách truyền thống, kết hợp áp dụng nghiêm quy định 5K, còn có thêm hình thức “Pick & Ship”; hay Kênh website https://co-opmart.vn, https://cooponline.vn; hoặc mua hàng từ App mua sắm Saigon Co.op; đồng thời, còn phối hợp với các đối tác thứ 3 để phân phối hàng hóa nhanh nhất như Grab, Momo, Beamin, Zalo, Now và kênh HTV Co.op của Saigon Co.op; ngoài ra, các siêu thị còn phối hợp với chính quyền địa phương để phân phối từ 5 đến 10 mặt hàng thiết yếu trực tiếp tại chỗ.

Đây không phải lần đầu tiên tình trạng trên xảy ra, và cũng không phải chỉ riêng ở TP HCM. Trước đó, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, khi tình trạng dịch bệnh diễn ra phức tạp và có nguy cơ bùng phát cao, bắt buộc phải áp dụng các chỉ thị giãn cách cộng đồng trên diện rộng, việc người dân đổ xô đi tích trữ hàng hoá, nhu yếu phẩm cũng nhiều lần diễn ra, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác kiểm soát. Mặc dù chính quyền địa phương đã đưa ra các giải pháp để đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong thời gian dài, song tâm lý lo lắng, muốn tích trữ vẫn khiến nhiều người dân bất chấp nguy cơ dịch bệnh, đổ xô đi mua sắm, gây sự thiếu hụt cục bộ trong quá trình cung ứng hàng hóa tại chợ và các siêu thị.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho rằng: “Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, người dân lo lắng là đúng nhưng không nên hoảng sợ, hoang mang quá mức. Đặc biệt, người dân không nên đổ xô đi mua hàng tích trữ, bởi hàng hóa hiện đang rất dồi dào. Việc người dân tụ tập đông người trong các siêu thị, trung tâm thương mại đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh và vi phạm quy định phòng dịch.”

Các siêu thị lớn như Saigon Co.op vẫn luôn là nguồn cung ứng hàng hoá đầy đủ

Chị Trần Thị Ngọc An, 30 tuổi, (TP Thủ Đức) chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc áp dụng chỉ thị 16 của lãnh đạo thành phố. Thời gian gần đây, khi tình hình các ca nhiễm ngày càng tăng, đặc biệt là khu vực thành phố Thủ Đức nơi gia đình tôi đang sinh sống, chúng tôi thực sự lo lắng. Tuy nhiên, tôi cho rằng tại thời điểm này người dân cần bình tĩnh, tin tưởng vào các cơ quan chức năng. Tôi thấy rất nhiều người xung quanh đổ xô đi tích trữ hàng hoá, nhu yếu phẩm, theo tôi là hoàn toàn không cần thiết, khi chính quyền thành phố đã cam kết đảm bảo có đủ nguồn cung ứng trong thời gian dài. Theo tôi, chúng ta cần nghiêm túc tuân thủ các chỉ đạo giãn cách, đặc biệt nên tránh việc tụ tập mua sắm tích trữ như trên, vừa gây hỗn loạn vừa tăng nguy cơ lây nhiễm.”

Chiều ngày 7/7, Sở Công thương TP HCM và Sở Giao thông Vận tải TP HCM, Sở Thông tin Truyền thông TP HCM đã tổ chức họp báo khẳng định nguồn cung hàng hóa tại thành phố trong thời gian mùa dịch bệnh Covid-19 đang rất phong phú, dồi dào, người dân không cần tích trữ, gom hàng gây tụ tập tại nơi công cộng. 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, dù thành phố có áp dụng Chỉ thị nào, quy định ra sao thì sẽ luôn ưu tiên việc cung cấp hàng hóa, thực phẩm cho người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá. Hiện nay, các siêu thị, chợ vẫn mở cửa, tăng công suất hoạt động để tăng mức phục vụ cho nhu cầu của người dân. Về giá cả hàng hóa, đối với các mặt hàng thiết yếu, thành phố cũng đã có chương trình bình ổn thị trường, nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: “Tính đến chiều 7/7, TP HCM có hơn 100 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối và cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa để đảm bảo phòng chống dịch. Mặc dù có 3 chợ đầu mối của thành phố tạm ngưng hoạt động (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) không có nghĩa là hàng hóa sẽ không được về TP HCM nữa, mà thành phố chỉ là thay đổi cách buôn bán, từ tập trung ở chợ đầu mối trước kia giờ chuyển sang buôn bán phân tán, giao hàng tận nơi, tận chợ truyền thống cho khách hàng. Vì vậy, lượng nguồn cung hàng hóa cho TP HCM về cơ bản sẽ không thay đổi khi 3 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động”.

 Ngọc Hiếu - Hoàng Duy - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Các hãng xe ô tô đồng loạt giảm giá

Dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ xe ô tô giảm sút, để kích cầu tiêu dùng các hãng xe đã đồng loạt giảm giá nhiều mẫu xe nhằm tăng doanh số bán hàng.

Hà Nội: Lo ngại tình trạng sử dụng hoạt chất bị cấm trên nông sản, thực phẩm

Kết quả giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm 2021 đến nay cho thấy nhiều nỗi lo tiềm ẩn. Nâng cao năng lực kiểm nghiệm chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cảnh báo sớm nguy cơ để người dân biết, tránh sử dụng là giải pháp đặt ra đối với ngành nông nghiệp.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/khuyen-cao-nguoi-dan-khong-nen-tich-tru-hang-hoa-nhu-yeu-pham-tai-tp-hcm-d160057.html