Giảm lãi suất, cơ cấu các khoản vay
Theo khảo sát của Nielsen (tháng 4/2020), người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng giảm chi tiêu trong quý I/2020 với gần 70% số người được hỏi ưu tiên cho tiết kiệm. Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, 4 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 1,2%. Khi tăng trưởng tín dụng yếu, các ngân hàng đã đẩy mạnh kích cầu cho vay tiêu dùng.
Đơn cử với việc các đại lý bán ô tô liên tục tung ra những đợt giảm giá mạnh nhằm kích cầu tiêu dùng thì phía các ngân hàng cũng chú trọng mảng cho vay này với lãi suất cạnh tranh, chỉ từ 6,66%/năm và mức vay tối đa lên tới 100% giá trị xe, tùy thuộc vào khả năng chứng minh tài chính của khách hàng.
Khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng tại một trung tâm thương mại ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hiện, lãi suất cho vay tiêu dùng của một số ngân hàng đã khá “mềm”. Đơn cử, cá nhân vay tại Vietcombank sản xuất kinh doanh, mua ô tô, xây, sửa chữa, mua nhà... chỉ 7,5%/năm đối với thời gian dưới 12 tháng, từ 12 - 24 tháng là 7,7%/năm, trên 24 tháng là 8,1%/năm. Tại VIB, cá nhân vay mua nhà có lãi suất vay từ 8,3%/năm, vay xây sửa nhà từ 8,7%/năm...
Tại Sacombank, khách hàng sở hữu thẻ tín dụng cá nhân hoặc sổ tiết kiệm và thẻ thanh toán Sacombank đăng ký vay thành công trên ứng dụng, khoản vay sẽ được giải ngân vào tài khoản Sacombank Pay, lãi suất 0,65%/tháng thế chấp sổ tiết kiệm và 0,84%/tháng đối với khách hàng vay theo hình thức thẻ tín dụng. Hạn mức vay tối đa 90% hạn mức thẻ tín dụng hoặc tỷ lệ vay theo sổ tiết kiệm và lên đến 100 triệu đồng.
“Gà đẻ trứng vàng”
Các ngân hàng không chỉ giảm lãi vay cho DN, mà còn đẩy mạnh tái cơ cấu nợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng nhỏ lẻ. Chẳng hạn, Kienlongbank giảm đến 25% trên tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng vay vốn trả góp kể từ ngày 3/4 - 30/6/2020. Tương tự, Viet Capital Bank giảm 2,5% lãi suất cho vay đối với khách hàng DN và cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tổng Giám đốc Viet Capital Bank Ngô Quang Trung cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, chủ trương của ngân hàng là tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nợ, kể cả vay tiêu dùng.
Với ACB, các khách hàng là cá nhân ưu đãi lãi suất tối thiểu từ 7,5%/năm cho các khoản vay sản xuất - kinh doanh ngắn hạn và 8,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn. MSB công bố gói tín dụng 7.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,99%/năm cho khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gói tín dụng này được thiết kế cho khách hàng cá nhân vay tín chấp (lãi suất chỉ 12,99% trong 12 tháng đầu) và vay thế chấp.
Khi nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19, tín dụng tiêu dùng được nhận định vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" nếu các DN có những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Tại MB, bóc tách báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất của MBBank cho thấy, dư nợ cho vay tiêu dùng của Mcredit tính đến cuối quý I/2020 là trên 10.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với dư nợ gần 9.000 tỷ đồng cuối năm ngoái. Trong khi FE Credit, dư nợ cho vay của công ty đạt gần 61.600 tỷ đồng, tăng 16% so với quý I/2019; lợi nhuận trước thuế đạt 918 tỷ đồng, tăng 20% so với quý I/2019.
Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hòe cho biết: “Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức các nước vào khoảng 40% tổng dư nợ nền kinh tế, do đó sẽ còn khoảng 1,5 - 2 triệu tỷ đồng dư địa cho vay, chưa kể hàng năm tổng dư nợ lại tăng thêm khoảng 14%” - ông Hòe nói. Theo vị chuyên gia, giá trị dư địa cho vay tiêu dùng lớn này nếu khai thác được sẽ là động lực không nhỏ góp phần phục hồi kinh tế sau dịch.
"Ngoài việc giảm lãi suất, giảm phí, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, giải quyết nhanh hơn, gọn hơn. Với các công ty tài chính, phải quan tâm hơn đến phát triển nền tảng công nghệ. Nhiều công ty hiện vẫn còn quản lý thủ công, tốn kém, dẫn đến buộc phải đẩy lãi suất cao lên. " - LS Trương Thanh Đức
"Trong giai đoạn vừa phục hồi kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh hiện nay, tài chính tiêu dùng vẫn là nhu cầu quan trọng của người dân, đặc biệt là phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, dưới chuẩn, không thể tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng." - TS Cấn Văn Lực |