Kiểm tra hàng loạt vũ trường thu giữ nhiều bình “khí cười”, rượu ngoại

25/04/2023 09:15

Kinhte&Xahoi Lực lượng chức năng Quảng Ninh vừa kiểm tra hàng loạt quán Bar, vũ trường thu giữ nhiều bình “khí cười”, rượu và thuốc lá nhập không có hóa đơn chứng từ.

Theo thông tin Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 và Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh thông tin. Tính từ đầu tháng 4/2023 tới nay lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh đã ra quân kiểm tra hoạt động của các tụ điểm vui chơi giải trí như các quán Bar, quán Pub, vũ trường (club), quán karaoke… trên địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái đã phát hiện 5 cơ sở xuất hiện bình khí NO2 (khí cười), bóng bay để bơm khí NO2 cùng với số lượng lớn rượu, thuốc lá nhập ngoại tất cả hàng hóa này đều không hóa đơn.

Kiểm tra hàng loạt vũ trường thu giữ nhiều bình “khí cười”, rượu ngoại tại Quảng Ninh. Ảnh Cục QLTT Quảng Ninh

Cụ thể, kiểm tra kiểm soát trên địa bàn Thành phố Cẩm phả đội QLTT số 3 đã phát hiện và tạm giữ gần 3.000 quả bóng bay chưa qua sử dụng và 70 bình khí N2O (khí cười) tại 3 tụ điểm vui chơi, giải trí trên các phường Cẩm Bình, Cẩm Đông.

Cùng với đó, kiểm tra trên địa bàn thành phố Hạ Long đội QLTT số 1 đã tạm giữ 65 chai rượu ngoại các loại trị giá 92,5 triệu đồng và 02 bình khí N2O đồng thời phát hiện gần 100 quả bóng bay chưa qua sử dụng tại 1 cơ sở kinh doanh Karaoke trên phường Hồng Hải.

Tại thành phố Móng Cái lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ 21 bình khí N2O và gần 9.000 quả bóng bay chưa qua sử dụng và thuốc lá nhập ngoại.

Hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số lượng hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

ĐỐI VỚI HÀNH SẢN XUẤT, KINH DOANH N2O (BÓNG CƯỜI) ĐƯỢC XỬ LÝ NHƯ SAU:

N2O không nằm trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. N2O thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất) là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công thương, hóa chất này chủ yếu sử dụng để gây tê, giảm đau trong lĩnh vực y tế hoặc dùng để đóng gói, bảo quản thực phẩm.

Tại Điều 10 Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định hành vi vi phạm quy định về Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định:

Mức phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định;

b) Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất

Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016 quy định:

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đế 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng hóa chất nguy hiểm trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa không đúng mục đích đã đăng ký;

b) không thực hiện đăng ký sử dụng hóa chất nguy hiểm trước khi bắt đầu sử dụng.

+ Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất cấm để sản xuất các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật về hóa chất.

+ Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất cấm để sản xuất các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật về hóa chất

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất cấm để sản xuất và bảo quản thực phẩm theo quy định của pháp luật về hóa chất.

+ Phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất cấm để sản xuất thuốc chữa bệnh và sản phẩm hóa chất tiêu dùng theo quy định của pháp luật về hóa chất.

+ Biện pháp khác phục hậu quản:

Buộc tiêu hủy hóa chất nguy hiểm, sản phẩm, hàng hóa trong trường hợp gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5 Điều này.

=> Tàng trữ bóng cười không đúng mục đích sẽ bị xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật tùy thuộc vào mức độ vi phạm của hành vi vi phạm.

Bên cạnh xử lý vi phạm hành chính tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi mà bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự cụ thể tại Điều 191 Bộ Luật hình sự 2015:

+ Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cầm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 249, 250, 253 254, 304, 305, 306, 309 và 311 Bộ Luật hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tiền từ 06 tháng đến 03 năm.

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khoản 2 Điều 191 Bộ Luật hình sự 2015 thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khoản 2 Điều 191 Bộ Luật hình sự 2015, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

+ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

+ Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại tại khoản 5 Điều 191 Bộ Luật hình sự 2015…

=> Khi sử dụng, tàng trữ bóng cười tùy thuộc tính chất mức độ vi phạm hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đào Xuân - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có xu hướng diễn biến phức tạp

Thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng lậu với số lượng lớn. Đây được xem là vấn nạn nhức nhối, không chỉ gây ảnh hưởng đến thương hiệu có uy tín, chất lượng mà còn có thể gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-24h/kiem-tra-hang-loat-vu-truong-thu-giu-nhieu-binh-khi-cuoi-ruou-ngoai-d192902.html