Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp

18/01/2024 11:03

Kinhte&Xahoi Sáng 18-1, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV đã bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ năm.

Dự phiên họp bế mạc có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư - Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 3,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm và thống nhất, đồng thuận rất cao, kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ ngày 1-1-2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Với việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với các nội dung được sửa đổi, bổ sung rất căn bản, toàn diện và đồng bộ, Luật này sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống; tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế phổ biến; hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, có giá trị gia tăng cao…

Quốc hội cũng xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn và nhất trí cao thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; xem xét, quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách.

Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kỳ họp bất thường lần thứ năm đã hoàn thành các mục tiêu đề ra và thành công tốt đẹp. Nhấn mạnh năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, từ thành công của kỳ họp đầu tiên trong năm mới, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, để cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021-2025, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

“Đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt sâu sắc, triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, không để xảy ra tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”; theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp, chính sách phù hợp, khả thi; trước mắt, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TƯ của Ban Bí thư, tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân vui xuân, đón mừng năm mới, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực thi đua, lập thành tích mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tiến Thành - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quyết liệt chống buôn lậu dịp giáp Tết

Giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, cũng là thời điểm nạn buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thường diễn biến phức tạp.

Mua hàng hiệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc: Đừng tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái

Dịp giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng nhanh. Lợi dụng thời điểm này, nhiều đối tượng đã tung ra thị trường hàng nhái, kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sức lôi cuốn của những loại hàng này là giá rẻ hơn rất nhiều hàng thật. Với việc mua "đồ hiệu" giá rẻ, vô tình người tiêu dùng đã tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng trên.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/ky-hop-bat-thuong-lan-thu-nam-quoc-hoi-khoa-xv-thanh-cong-tot-dep-656139.html