Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Đội chống dịch cơ động Hà Nội và những hy sinh thầm lặng

26/02/2020 17:37

Kinhte&Xahoi Mỗi đợt có dịch, cán bộ y tế dự phòng (YTDP) Hà Nội luôn là những người đi đầu trong “trận chiến”, xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch, trong đó có dịch Covid -19. Tuy không trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, cấp cứu bệnh nhân, nhưng đội đáp ứng nhanh (hay đội chống dịch cơ động) của Hà Nội đang ngày đêm thầm lặng, kiên trì bám trụ địa bàn, “xâm nhập” vào ổ dịch.

Đội chống dịch cơ động chuẩn bị chuyển bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 đi bệnh viện. 

Những chiến sĩ thầm lặng

Theo chân đội chống dịch cơ động của Hà Nội xuống cơ sở điều tra ca bệnh, lấy mẫu tại các ổ dịch, chúng tôi mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các cán bộ y tế dự phòng.

“Alo! Bác cứ bình tĩnh, thông báo tới những người có biểu hiện ho, sốt, không đi làm, tự cách ly tại nhà…, chờ Trung tâm lấy mẫu xét nghiệm rồi trả lời kết quả sau…”, đó là cuộc nói chuyện điện thoại giữa bác sĩ Đào Hữu Thân - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội với một cán bộ y tế cơ sở khi phát hiện có trường hợp nghi nhiễm Covid-19.

Tiếp chúng tôi khi xong công việc, bác sĩ Thân chia sẻ, ngày nào cán bộ YTDP cũng nhận được những cuộc điện thoại như thế. Cán bộ y tế cơ sở, người dân gọi đến nhiều lắm, họ thông báo ca nghi nhiễm cũng như nhờ tư vấn các vấn đề về dịch bệnh.

Đề cập đến sự vất vả của cán bộ YTDP, bác sĩ Thân cho biết: "Mấy hôm nay đỡ rồi, chúng tôi chiến đấu từ trong Tết Nguyên đán đến nay. Cũng chẳng có gì lạ cả, vì quanh năm chiến đấu với dịch bệnh, hết điều tra ổ dịch sởi, cúm, sốt xuất huyết rồi giờ lại Covid-19. Khi có bệnh nhân nghi nhiễm, đội chống dịch cơ động sẵn sàng xắn tay vào việc, xông vào điều tra, xác minh để phòng chống dịch, kể cả tâm dịch cũng không ngại. Thực ra đây là nghề của chúng tôi, nhiệm vụ của dân dự phòng, mình còn sợ vất vả thì ai làm?".

Toàn TP hiện có 65 đội chống dịch cơ động, trong đó tuyến TP có 5 đội, mỗi quận, huyện, thị xã có 2 đội thực hiện chế độ thường trực, sẵn sàng triển khai xử lý ca bệnh khi có yêu cầu. Trong đội, có người điều hành chỉ đạo, bác sĩ khám, hỏi, lấy mẫu, tất cả đều là những người có kinh nghiệm lâu năm. Các đội chống dịch cơ động đều được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, được đào tạo và tập huấn ứng phó với dịch bệnh.

Mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, đội chống dịch cơ động ngay lập tức đến để điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch. Triển khai những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng. “Nhiều lúc cũng sợ vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh, mang mầm bệnh đó về cho gia đình và người thân của mình. Thế nhưng, ý nghĩ đó chỉ thoáng qua thôi. Những lúc như vậy, chúng tôi đã động viên nhau vượt qua” - bác sĩ Thân nói.

Thực ra khi tiếp cận bệnh nhân, để khai thác thông tin chỉ là một phần việc của đội. Quan trọng hơn là đội phải truy đến cùng việc bệnh nhân đó ở đâu, đi đâu, làm gì. Khi có thông tin, đội chống dịch cơ động của TP lập tức báo cho các đội ở quận, huyện. Lúc này, đội tiếp tục xuống nhà bệnh nhân khử khuẩn và điều tra tiếp. Biết đâu lại phát hiện ra hàng xóm có người ốm, sốt. Công việc có tính hệ thống là như thế!

Thành viên Đội chống dịch cơ động điều tra việc phun thuốc khử khuẩn, xử lý ca bệnh nhiễm Covid-19 tại một chung cư.

Chiến đấu không kể ngày đêm

Đến thời điểm này, có thể nói, Việt Nam không có bệnh nhân mới, kiểm soát tốt dịch bệnh. Dịch ở Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, đó là những dấu hiệu tốt. Nhưng thực sự, người dân cũng như ngành y tế hoàn toàn chưa thể yên tâm. Với đội chống dịch cơ động, cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, nhất là thời điểm này, dịch lan rộng ra 34 quốc gia. Trong đó, Hàn Quốc có số ca mắc tăng nhanh, dịch đã lan rộng 2 TP lớn của Hàn Quốc. Tại Hà Nội, lại rất đông người từ 2 vùng dịch của Hàn Quốc đang học tập và lao động trên địa bàn và ngược lại, bởi vậy, công việc của hệ thống YTDP càng khó khăn hơn gấp bội. “Ngay sáng nay, nhận được thông báo có ca bị sốt, nghi nhiễm Covid-19, chúng tôi phải đi ngay, lúc nào cũng sẵn sàng tinh thần chiến đấu. Không kể đêm hay ngày, mưa hay nắng, ai nấy đều sẵn sàng lên đường, cứ có người nghi nhiễm hay nhiễm đều có mặt, đáp ứng nhanh. Giống như đội cứu hỏa, chúng tôi luôn phải xác định, dịch đến bất kỳ lúc nào và chiến đấu với tinh thần cao nhất” - bác sĩ Thân tâm sự.

Hiện tại, Hà Nội có 77 trường hợp nghi nhiễm đều âm tính với virus SARS - CoV -2, chưa có ca dương tính. Nhưng trước đó, khi tiếp xúc với 77 bệnh nhân nghi nhiễm, đội chống dịch cơ động coi như 77 bệnh nhân nhiễm SARS - CoV - 2. Tất cả các thành viên đều tuân thủ nghiêm quy trình phòng hộ.

Vì bệnh dịch nên thói quen sinh hoạt của cán bộ YTDP cũng bị thay đổi, ăn cho qua bữa và ít thời gian ăn cơm với gia đình. “Con bảo, từ hôm có dịch Covid-19, bố không ăn cơm nhà nhưng biết làm sao được, phải chấp nhận thôi… Biết làm sao được vì chúng tôi là đội chống dịch cơ động. Hễ dịch đến bất kỳ lúc nào, chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu với tinh thần cao nhất, càng nguy hiểm thì càng phải chiến đấu” - lời tâm sự chân thành của bác sĩ Thân.

Chia sẻ về công việc này, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho hay, cán bộ YTDP phải là đội ngũ “đi trước, đón đầu” mỗi khi có dịch. Những gì mà các cán bộ YTDP đã và đang làm vì sức khỏe người dân là không thể kể hết. Chính họ đã đem lại hạnh phúc cho cả cộng đồng, nhất là trẻ em trong việc tránh được bệnh cùng nhiều di chứng nặng nề, góp phần giảm tải đáng kể cho bệnh viện và các thầy thuốc chữa bệnh trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đang cận kề, năm nay, Bộ Y tế không tổ chức tôn vinh các thầy thuốc vì còn phải dồn sức chống dịch. Hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu sự vất vả, hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ áo trắng nói chung và cán bộ, nhân viên YTDP nói riêng. Cũng như các bác sĩ dự phòng, chúng tôi mong muốn người dân cùng đồng hành, vào cuộc, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, để cán bộ, nhân viên y tế có được niềm vui đoàn tụ sau những ngày dài miệt mài chống dịch chưa trở kịp về nhà, để họ có những đêm ngủ ngon, ngày mai còn lên đường... chống dịch.

Khó có thể kể hết những gian khổ của các y, bác sĩ dự phòng. Công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đủ loại hóa chất độc hại, có mặt đầu tiên tại các ổ dịch nguy hiểm… Đôi khi vì tính chất công việc, nhiều người còn bị lây bệnh và mang cả mầm bệnh về cho gia đình. Cũng là thầy thuốc phục vụ người dân nhưng mấy ai nhớ đến những y, bác sĩ dự phòng trong khi những hy sinh, cống hiến của đội ngũ y, bác sĩ dự phòng vì sức khỏe của Nhân dân là không nhỏ.

Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sau bánh mì thanh long, giá loại quả "rồng" tăng đột biến

Sau khi doanh nhân Kao Siêu Lực chế biến ra loại bánh mì thanh long độc đáo, đồng thời chia sẻ rộng rãi công thức, nhiều cơ sở sản xuất ở các địa phương cũng đã làm được bánh mì thanh long. Cộng với việc khơi thông cửa khẩu đã đẩy giá thanh long ở nhiều địa phương tăng cao.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ky-niem-65-nam-ngay-thay-thuoc-viet-nam-doi-chong-dich-co-dong-ha-noi-va-nhung-hy-sinh-tham-lang-376041.html