Làm gì để giảm hóa đơn tiền điện?

08/05/2024 09:37

Kinhte&Xahoi Ngay những ngày đầu mùa hè năm 2024, các cơ quan quản lý, nhà cung cấp điện đã đưa ra cảnh báo về nhu cầu sử dụng điện gia tăng. Trên thực tế, các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp cũng đã và đang áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm điện, giúp cắt giảm đáng kể hóa đơn tiền điện.

Nhân viên Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội tuyên truyền tới khách hàng cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải

Tòa nhà Lotte (quận Ba Đình) với 65 tầng nổi và 5 tầng hầm, gồm tổ hợp trung tâm thương mại, nhà hàng và khách sạn, căn hộ dịch vụ, luôn có lượng điện tiêu thụ hằng tháng lớn, khoảng 2,5-2,7 triệu kWh. Đặc biệt vào những tháng nắng nóng cao điểm, lượng điện tiêu thụ lên tới 3,5-3,7 triệu kWh. Ông Phạm Minh Đức, đại diện quản lý tòa nhà cho biết, mỗi tháng Lotte chi trả hàng tỷ đồng tiền điện.

“Từ năm 2019 đến nay, với việc tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, đơn vị đã tiết giảm được 25-30% công suất tiêu thụ điện của tòa nhà, tiết kiệm được gần 15% tiền điện, tương đương khoảng 15 tỷ đồng”, ông Phạm Minh Đức chia sẻ. Trong những ngày nắng nóng cao điểm, Lotte còn cam kết sẵn sàng sử dụng máy phát điện dự phòng để giảm áp lực lên lưới điện thành phố, khi có yêu cầu.

Tương tự, Giám đốc kỹ thuật Trung tâm thương mại Savico Megamall (quận Long Biên) Lê Công Hội thông tin, trung tâm đã ký với Công ty Điện lực Long Biên điều chỉnh phụ tải, cắt giảm từ 5% đến 7% lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm. Bên cạnh đó, trung tâm áp dụng những biện pháp tiết kiệm điện khác, như lắp đặt hệ thống bồn trữ lạnh tại siêu thị, vận hành nạp đầy trong đêm - khung giờ thấp điểm và xả lạnh vào hệ thống điều hòa trong thời gian đón khách. Hệ thống giám sát và quản lý năng lượng hiện đại cho phép kiểm soát các thông số tiêu thụ năng lượng từ mỗi bộ phận kịp thời có giải pháp xử lý bất thường trong tiêu thụ điện.

Là doanh nghiệp dệt may, các dây chuyền sản xuất của Tổng công ty May 10 - CTCP có công suất cao, tiêu thụ một lượng lớn điện năng. Vào cao điểm mùa hè, tiền điện trung bình một tháng khoảng 1,1 tỷ đồng. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Bạch Thăng Long cho biết, sau khi áp dụng điều chỉnh phụ tải, Tổng công ty đã giảm chi phí tiền điện khoảng 5% mỗi tháng. Quan trọng hơn, ý thức sử dụng điện tiết kiệm của người lao động được nâng cao đáng kể.

Đây là những ví dụ điển hình cho thấy chương trình điều chỉnh phụ tải điện đang được Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) triển khai đã phát huy hiệu quả. Chương trình này khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải.

Chương trình được áp dụng đối với khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện từ 1.000.000kWh/năm trở lên hoặc những khách hàng có khả năng điều chỉnh phụ tải điện, đã được trang bị công tơ điện tử đo đếm từ xa, đồng thời được truyền số liệu theo chu kỳ 30 phút/lần. Khách hàng chủ động trong việc điều chỉnh các phụ tải sử dụng điện của mình, tiết giảm đối với các phụ tải nhỏ lẻ không ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất. Gần 3.500 khách hàng đã ký thỏa thuận tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải, với công suất dự kiến tiết giảm gần 230.000kWh.

Những cách thức phát huy hiệu quả bất ngờ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hay EVNHANOI đã liên tục đưa ra các khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các khung giờ cao điểm 12h-15h và 22h-24h hằng ngày. Việc chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26°C trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn, không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện là các giải pháp chính.

Từ những khuyến cáo cơ bản trên, nhiều gia đình đã có những cách làm sáng tạo. Bà Nguyễn Thị Thanh Yến (quận Đống Đa) chia sẻ: “Ngoài việc điều chỉnh điều hòa ở mức 27°C, chọn hướng gió phù hợp và dùng kèm quạt để tản mát khắp phòng, tôi còn khống chế thời gian để không sử dụng 24/24h. Ví dụ như từ 5h sáng, khi nhiệt độ trong phòng đã ổn định, tôi tắt điều hòa, chỉ dùng quạt. Khi tắt máy, tôi ngắt luôn cả aptomat, nhắc con cháu không bật tắt thiết bị liên tục. Trước mùa hè, tôi luôn nhờ thợ vệ sinh điều hòa. Nhờ vậy, hiệu suất sử dụng tăng lên, lượng điện tiêu thụ tiết kiệm hơn. Trong những tháng nắng nóng cao điểm, hóa đơn tiền điện gia đình tôi chưa khi nào vượt quá 1,5 triệu đồng”.

Ông Vũ Trung Quân (quận Hoàng Mai) cũng cho biết thường tìm kiếm các mẹo tiết kiệm để áp dụng. Chẳng hạn như để bát, khay, cốc nước vào ngăn đá tủ lạnh qua đêm, rồi đưa xuống ngăn mát tủ lạnh ngày hôm sau, giúp hạn chế dàn lạnh của tủ lạnh phải hoạt động liên tục. Đã thành thói quen, các thành viên trong gia đình đều nhắc nhau rút hết phích cắm các thiết bị điện khi không sử dụng và không dùng quá nhiều thiết bị như máy giặt, máy rửa bát, nồi chiên không dầu, ấm siêu tốc, máy sấy tóc… vào khung giờ cao điểm, khi trong nhà cùng sử dụng điều hòa, quạt, tivi và các thiết bị chiếu sáng.

Các chuyên gia năng lượng khuyến cáo, các hộ gia đình nên dần thay thế thiết bị có hiệu suất năng lượng thấp bằng thiết bị có hiệu suất cao; chọn mua thiết bị có dán nhãn chứng nhận sản phẩm tiết kiệm điện, thay các bóng đèn chiếu sáng thường bằng bóng đèn LED. Những lưu ý nhỏ này nếu thực hiện thường xuyên, liên tục, thành thói quen, sẽ phát huy hiệu quả bất ngờ, giúp giảm đáng kể hóa đơn tiền điện mỗi gia đình trong mùa nắng nóng.

Hồng Anh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/lam-gi-de-giam-hoa-don-tien-dien-665678.html