Làm mới các giá trị

26/11/2021 07:30

Kinhte&Xahoi Trên nhiều giao diện báo chí, mạng xã hội và dư luận nói chung đang có nhiều phản ứng gay gắt, trái chiều trước đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” của một vị giáo sư. Cũng dễ hiểu, bởi tục ngữ này không đơn thuần là một triết lý về giáo dục mà còn là nét văn hóa đẹp của dân tộc.

Tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” thuộc về giá trị văn hóa của dân tộc.

Bất cứ người Việt Nam nào, từ các cháu mẫu giáo lớn trở lên đều biết câu tục ngữ này bởi được kẻ vẽ trang trọng trong các ngôi trường, lớp học. Trong bài phát biểu tâm huyết của mình tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”.

Đây là một trong các giải pháp để chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Thành ngữ, tục ngữ, ca dao nói chung, trong đó có tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” thuộc về giá trị văn hóa của dân tộc.

Đúng là, trong xã hội truyền thống trước đây thiên về đào tạo con người thừa hành, con người công cụ, người phục tùng.

Đặc biệt là tư duy vâng lời, tuân theo khuôn mẫu máy móc. Những mực thước cứng nhắc về đạo đức phong kiến đề ra còn để lại nặng nề. Tuy nhiên, “lễ” và “văn” thời đại nào cũng cần, không chỉ trong nhà trường.

Không nên hiểu “máy móc”, xơ cứng, quy chữ “lễ” đồng nghĩa với các khuôn mẫu đạo đức cũ của xã hội phong kiến, càng không nên hiểu đơn giản “văn là tri thức”. Nếu đóng khuôn như vậy vô hình trung bó hẹp ý nghĩa và dẫn đến bỏ đi khẩu hiệu đó. “Lễ” và “văn” là những phạm trù, có ý nghĩa triết học của thành ngữ. Mỗi thời đại, nội hàm của nó có những nội dung khác nhau. Vấn đề là phải kiến giải phù hợp.

“Tiên học lễ, hậu học văn”, vượt ra ngoài khuôn khổ của giáo dục, nó cũng là một giáo trị về văn hóa. Trở lại bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giải pháp thứ tư là “chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội”, “Xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ…”.

Tục ngữ, ca dao là những di sản văn hóa quý báu, là sự kết tinh, là tri thức trí tuệ dân gian, được đúc kết từ đời này sang đời khác; chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc như những hạt ngọc lấp lánh trong kho báu dân gian. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, việc làm mới kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

 Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/lam-moi-cac-gia-tri-d171465.html