Làng nghề tấp nập vào vụ Tết

18/01/2022 11:06

Kinhte&Xahoi Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm dần. Những ngày này, các làng nghề truyền thống của Hà Nội lại hối hả vào vụ. Sự tấp nập, rộn ràng nơi các làng nghề ngày giáp Tết khiến bóng dáng của dịch bệnh và một năm kinh tế ảm đạm dường như biến mất, nhường chỗ cho những khởi sắc mới.

Chủ động, đổi mới các mặt hàng

 Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn hơn các năm trước song người làng nghề vẫn nỗ lực, cố gắng duy trì sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm mới, chất lượng, giá cạnh tranh... để Tết được đầy đủ, vui tươi hơn.

Những ngày này về với làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) sẽ thấy sắc đỏ dọc những con đường và tiếng máy làm hương nhộn nhịp. Do tình hình dịch bệnh, các lễ hội không được tổ chức, người đi lễ chùa cũng vắng, nên sản lượng không được bằng các năm trước nhưng số lượng hương xuất ra thị trường những tháng cuối năm tăng hơn so với ngày thường bởi tục thắp hương dịp Tết Nguyên đán vẫn là một nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Ông Nguyễn Hữu Long, chủ cơ sở làm tăm hương cho biết, thời gian gần đây, người dân đã chuyển sang sử dụng máy chẻ thay vì làm thủ công, nên các que tăm hương đều tăm tắp, năng suất cao hơn hẳn. Hộ sản xuất này có hơn 10 nhân công làm việc liên tục, mỗi ngày sản xuất được từ 8 đến 10 tấn tăm hương, chuyển đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Người dân xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) phơi hương (Ảnh: Viết Thành)

Còn theo ông Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc HTX Sản xuất hương làng nghề Xà Cầu thì “mọi năm đến tháng 11, 12 Âm lịch chúng tôi chỉ có xuất bán thôi. Năm nay đến giờ này, chúng tôi vẫn phải làm, bởi có lượng hàng đặt phát sinh so với kế hoạch. Mặc dù thị trường đang phát triển, nhiều mặt hàng khác lợi nhuận cao hơn nhưng chúng tôi vì tình yêu quê hương nên cũng cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa làng nghề truyền thống".

Từ tháng 10 trở đi, những hộ sản xuất đồ gỗ ở xã Dục Tú (huyện Đông Anh) đã tất bật. Anh Nguyễn Đức Thành, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Hiền Thành cho biết: Năm qua, các sản phẩm điêu khắc của hộ anh Nguyễn Đức Thành chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong nước thay vì xuất khẩu sang Trung Quốc như trước đây. Những tháng cuối năm, gia đình anh Thành tập trung toàn bộ vào làm sản phẩm phục vụ thị trường Tết như: Đốc lịch bằng gỗ treo tường, hoa sen thờ bằng gỗ, tranh chữ "Phúc - Lộc - Thọ"...

“Gia đình tôi phải thuê thêm thợ và động viên người lao động làm thêm giờ để đáp ứng nhu cầu của thị trường”, anh Thành cho biết.

Tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), trục giao thông chính luôn tấp nập xe chở hàng. Showroom, cửa hàng lúc nào cũng có khách tham quan, mua hàng. Trong các xưởng, hàng mới liên tục được ra lò. Theo các nhà sản xuất, Tết năm nay, các loại bình, chum, chuông... chuyên để cắm đào rừng, mận, tuyết mai... rất đắt khách. Bên cạnh đó, các bộ khay mứt Tết, ấm chén trà, bát đũa, lục bình trang trí, bộ đồ thờ... cũng được nhiều khách hàng tìm mua để bày biện trong nhà đón Tết.

Sản phẩm "hổ bonsai"

Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên các thiết kế hình hổ được tiêu thụ nhiều. Bên cạnh các mẫu lợn đất tiết kiệm như mọi năm, năm nay, cơ sở sản xuất Anh Hương (ở thôn 2, xã Bát Tràng) còn sản xuất hàng loạt mẫu hổ đất tiết kiệm. Cơ sở đã bán được hàng chục nghìn sản phẩm và đang tiếp tục tăng cường sản xuất, kịp trả các đơn đặt hàng.

Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng) Hà Thị Vinh cho biết: "Cùng với đà phục hồi của thị trường thế giới, nhu cầu trong nước cũng tăng trong thời điểm Tết Nguyên đán. Sản xuất tại làng nghề Bát Tràng đã lấy lại nhịp sản xuất, tuy không bằng được các năm trước khi có dịch COVID-19 nhưng cũng là tín hiệu vui với sản xuất làng nghề".

Làng Tứ Liên, quận Tây Hồ những ngày này cũng vô cùng nhộn nhịp với nhiều xe tải lớn nhỏ chở quất, khách từ khắp nơi tới xem và chọn mua quất. Theo ông Thắng, chủ nhà vườn Thắng Nga, ngay từ tháng 2 Âm lịch, toàn bộ các gốc quất cảnh đã được lựa chọn đưa vào lọ, chum rồi dưỡng cây, tạo dáng. Công việc luôn tất bật, không lúc nào ngơi tay. Giá quất cảnh năm nay nhìn chung không biến động nhiều. Quất dáng thông cao từ 1m6 - 1m7, mức giá trên dưới 3 triệu một cây. Giá bán buôn quanh ngưỡng 700.000 đồng với quất đặt tại bình cao tầm 50cm. Quất bonsai thì giá cũng đa dạng, tùy thuộc kích cỡ và loại bình.

Đặc biệt năm nay làng Tứ Liên có sản phẩm "Hổ vàng cõng quất bonsai" thu hút người mua. Do trồng cây đòi hỏi kinh nghiệm nên số lượng "hổ vàng" có hạn. Giá thành cho một "chú hổ bonsai" khoảng 6 triệu đồng.

Nỗ lực duy trì sản xuất

 Các làng nghề sản xuất thực phẩm, bánh kẹo cũng đang tất bật hoàn tất các đơn đặt hàng Tết. Năm vừa qua, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) vắng khách du lịch, các sản phẩm của làng nghề như kẹo lạc, chè lam... cũng giảm hẳn lượng tiêu thụ. Đến thời điểm gần Tết Nguyên đán, các đơn đặt hàng lại đua nhau gửi đến, giúp các cơ sở sản xuất tại đây nhộn nhịp hẳn.

Cơ sở sản xuất của ông Cao Văn Hiền (thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm) trong vụ Tết này phải thuê thêm người làm, hằng ngày sản xuất, đóng gói tới gần 100kg kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng... chuyển tới các điểm du lịch, cửa hàng tạp hóa. Càng cận Tết, đơn hàng càng nhiều, có những hôm các cơ sở sản xuất làm việc đến tận đêm muộn nhưng ai cũng mừng.

Phơi miến ở làng So (Ảnh: Viết Thành)

Không khí nhộn nhịp cũng hiện hữu ở làng So, huyện Quốc Oai. Nơi đây, khắp cánh đồng, ngả đường đều thấy phủ kín các giàn phơi miến. Từ tờ mờ sáng, tiếng máy quấy bột, máy tráng miến chạy đã rộn ràng khắp các ngõ xóm. Ngay từ cuối tháng 10 Âm lịch, các hộ sản xuất ở đây đã tăng công suất lên gấp đôi, gấp ba để kịp trả các đơn đặt hàng Tết. Khi trời hửng, người dân cùng nhau mang những phên nứa ra phơi miến, trải khắp cả cánh đồng.

Tại cơ sở sản xuất của anh Lưu Văn Dương đang có gần 20 lao động làm việc liên tục, mỗi ngày sản xuất từ 8 đến 10 tấn miến. Để kịp chuyển hàng, anh còn thuê thêm gần 10 lao động chuyên đóng gói và phơi sản phẩm. Các hộ sản xuất ở làng So cho biết, năm nay do dịch COVID-19, nhiều cửa hàng, quán ăn đóng cửa, sản lượng tiêu thụ không bằng các năm trước. Tuy nhiên, sản xuất của làng nghề vẫn duy trì ổn định.

Sau những ngày đầu năm ảm đạm vì không có người mua hoa, đến nay, người dân làng hoa Tây Tựu đã có thể an tâm hơn khi sức mua đã tăng trở lại. Mặc dù lượng hoa không có nhiều để bán ra như các năm nhưng bù lại được giá hoa cao. Nhiều ngày nay, gia đình ông Hoàng Văn Lâm (52 tuổi, người dân trồng hoa tại làng hoa Tây Tựu) đã đến ruộng hoa thu hoạch từ sáng sớm. Khách tới mua chủ yếu là các tiểu thương đã đặt từ trước. “Chỉ mong thời tiết ủng hộ, dịch bệnh ổn định hơn để sức mua tăng, dù không thể bằng như năm ngoái”, ông Lâm chia sẻ.

Với tinh thần chủ động chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn và sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19; Các làng nghề đang cùng với thành phố tạo nên một cái Tết phong phú, đầm ấm, vui tươi, an toàn.

 Huy Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quảng Ninh: Xác minh, làm rõ việc siêu thị Lan Chi Mart bị “tố” bán hàng kém chất lượng

Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ các đơn vị báo chí về việc siêu thị Lan Chi Mart Quảng Yên và Lan Chi Mart Đông Triều xuất hiện một số lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả, nhái, không rõ nguồn gốc, thực phẩm hết hạn sử dụng vẫn được bày bán và tiêu thụ… Cục Quản lí thị trường tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xác minh, làm rõ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/lang-nghe-tap-nap-vao-vu-tet-188225.html