Liên minh ngầm, 'tung hô' chất lượng Viên khớp Tâm Bình để 'đánh lừa' người dùng?

18/10/2020 09:34

Kinhte&Xahoi Nói rằng "vô can" trong quảng cáo sản phẩm của đại lý về công dụng Viên khớp Tâm Bình không đúng với thực tế, nhưng những gì Chất lượng Việt Nam thu thập được, cho thấy có sự liên minh ngầm để "đánh lừa" người dùng.

Như Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã phản ánh trong bài: Viên khớp Tâm Bình được 'phóng đại' chất lượng, lừa dối người dùng? nêu về việc, người tiêu dùng phản ánh quảng cáo sản phẩm Viên khớp Tâm Bình có công dụng, chất lượng "điều trị bệnh xương khớp"; "Điều trị thoái hóa khớp"... là không đúng với công bố thực của sản phẩm được cơ quan chức năng xác nhận. Bởi thực tế, Viên khớp Tâm Bình chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứ không phải là thuốc, nên việc quảng cáo cho sản phẩm có hiệu quả, công dụng "điều trị" là trái quy định pháp luật, dấu hiệu đánh lừa người tiêu dùng để bán được nhiều sản phẩm.

 Đây là quảng cáo xuất hiện trên trang Tambinh.vn, người tiêu dùng chỉ cần bấm vào chữ Shopee, lập tức sẽ ra một trang web mới có các quảng cáo về sản phẩm của Công ty Tâm Bình. Đặc biệt trong đó có hình ảnh sản phẩm gắn với thông tin "Điều trị thoái hóa"... 

Đây là những hình ảnh về sản phẩm Viên khớp Tâm Bình trên trang thương mại Shopee. 

Sau khi Phóng viên phản ánh sự việc đến phía Công ty TNHH sản xuất và thương mại dược phẩm Tâm Bình (Công ty Tâm Bình) - nhà sản xuất và công bố sản phẩm Viên khớp Tâm Bình, đại diện của công ty này đã "chối bay" sự việc mà Phóng viên nêu. Thậm chí, hình ảnh hiện rõ trên trang web Tambinh.vn - trang web chính thức của công ty này kết nối link đến trang thương mại điện tử Shopee có thông tin quảng cáo sai, trái quy định pháp luật đã được Phóng viên gửi để đối chứng nhưng phía công ty này vẫn cho rằng, đó là của các đại lý bán hàng, không phải của công ty.

Trong trả lời Phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) của Công ty Tâm Bình có nêu: "Tâm Bình luôn luôn cố gắng tuân thủ các chính sách về quảng cáo, giấy phép quảng cáo từ các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm cung cấp tới người dân những thông tin chính xác nhất. Tâm Bình chỉ chịu trách nhiệm về nội dung được đăng tải trên website chính thức: Tambinh.vn".

Hình ảnh về các quảng cáo sản phẩm Viên khớp Tâm Bình... "Điều trị bệnh xương khớp". Người dùng bấm vào các quảng cáo này, lập tức trang Tambinh.vn hiện ra.

 Từ sự việc như nói trên, câu hỏi đặt ra là, vì sao trang web của Công ty Tâm Bình lại có việc gắn link có hình ảnh và ngôn từ quảng cáo sản phẩm không đúng chất lượng đến với trang thương mại điện tử Shopee? Công ty này có "ngầm" cho đại lý làm việc này hay không? và nếu như công ty này không cho phép đại lý treo link quảng cáo đến trang Shopee thì liệu các đại lý có được phép làm không? 

Ở một tình huống khác, trong quá trình tìm hiểu Phóng viên cũng phát hiện, hình ảnh quảng cáo sản phẩm Viên khớp Tâm Bình và gắn với diễn viên Lan Mập có nội dung: "Viên khớp Tâm Bình - 10 vị thảo dược quý hiếm - Điều trị bệnh xương khớp" được chạy tự động trên một trang báo điện tử khá nổi tiếng, khi bấm vào quảng cáo đó, lập tức trang web Tambinh.vn hiện ra với các nội dung của Công ty Tâm Bình. Điều này làm người tiêu dùng nghi ngờ về tính minh bạch thông tin của sản phẩm và Công ty này cố tình lập lờ, đánh lận, tiếp tay cho các đại lý để họ tung hô sản phẩm, quảng cáo sai công dụng, "gài bẫy" người dùng để bán được nhiều hàng?

 Theo Mục b, Khoản 3, và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong các bài tiếp theo!

Hồng Anh - Theo Vietq.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://vietq.vn/lien-minh-ngam-tung-ho-chat-luong-vien-khop-tam-binh-de-danh-lua-nguoi-dung-d179612.html