Ma trận khối nợ nghìn tỷ của Quốc Cường Gia Lai (Kỳ IV)

07/12/2018 14:45

Kinhte&Xahoi Nhiều chủ nợ là những cái tên quen thuộc với QCG, nhưng nếu nhìn vào chi tiết các giao dịch đầu tư, hoạt động kinh doanh của QCG cũng thấy những cái tên này.

Kỳ IV: Những giao dịch bất thường tại QCG

Ma trận những giao dịch mua bán, vay mượn của QCG đang được nhận diện ngày một rõ hơn. Những câu chuyện liên quan đến các giao dịch lòng vòng còn cho thấy một thực trạng khác, sự “biến hóa” khôn lường của QCG trong những giao dịch ấy. 

“Phồng - xẹp” bất thường tại Giai Việt

Báo cáo tài chính năm 2008 của QCG cho thấy, Công ty cổ phần Giai Việt có vốn điều lệ 24 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008. Ở thời điểm đó, QCG sở hữu 29% vốn điều lệ, với vốn đầu tư phản ánh tại ngày đầu năm 2008 là 78,9 tỷ đồng và tại ngày cuối năm là 76,9 tỷ đồng. Với con số này, định giá của Giai Việt ở mức 265,2 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2008, nhỏ hơn so với con số 272,2 tỷ đồng đầu năm.

Trong năm 2010, QCG thực hiện góp vốn gần 251 triệu đồng vào Giai Việt, đồng thời tăng sở hữu tại Giai Việt lên mức 49,9%. Cuối năm 2009, QCG hạch toán mức đầu tư 328,2 tỷ đồng vào đây, tương đương mức định giá công ty này tăng lên 657,7 tỷ đồng, gấp 2,48 lần mức định giá của Giai Việt năm trước đó.

Dù không hạch toán lỗ, lãi từ công ty liên kết (Giai Việt) phát sinh trong suốt quá trình từ năm 2009 đến hết quý III/2014, nhưng ngày 19/12/2015, QCG đột ngột bán ra 49% vốn cổ phần tại Giai Việt với giá 70 tỷ đồng, tương đương định giá Công ty chỉ còn 142,8 tỷ đồng, bằng 21,5% mức định giá hơn 2 tháng trước đó.

Bất ngờ hơn, trong quý III/2015, QCG thực hiện mua lại 50% vốn điều lệ Giai Việt, với chi phí đầu tư 75 tỷ đồng, tương đương định giá 150 tỷ đồng cho cả Công ty Giai Việt. Con số định giá này tăng nhẹ so với định giá bán trước đó, nhưng nhỏ hơn rất nhiều so với Giai Việt trong quá khứ.

Hơn 1 năm sau, năm 2017, QCG mua lại 99,8% vốn điều lệ Công ty cổ phần Bất động sản Sông Mã (Sông Mã), đơn vị sở hữu 48,9% vốn điều lệ Giai Việt.

Tại thương vụ này, QCG bỏ ra 333 tỷ đồng, phát sinh lợi thế thương mại là 253,6 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, giá trị sổ sách của Sông Mã ở thời điểm hợp nhất là 79,4 tỷ đồng, bao gồm khoản sở hữu 48,9% vốn điều lệ Giai Việt.

Có 3 vấn đề của QCG mà thị trường có thể nhận thấy tính chưa rõ ràng, xoay quanh câu chuyện mua bán cổ phần tại Giai Việt.

Một là vấn đề công bố thông tin. Giai Việt là công ty liên kết, nhưng cả quá trình bán ra, mua vào lượng lớn cổ phần Giai Việt tại QCG giai đoạn 2014 - 2015, Công ty không có Nghị quyết Hội đồng quản trị công bố thông tin về vấn đề này.

Vấn đề thứ hai là, vì sao có sự bất thường trong diễn biến định giá Giai Việt qua các năm, sau các lần mua bán? QCG không có thuyết minh chi tiết về quy mô vốn Giai Việt, nhưng thông qua câu chuyện mua bán cổ phần tại Sông Mã cũng như thuyết minh giao dịch với bên có liên quan, có lẽ Giai Việt hầu như không thay đổi vốn điều lệ qua các năm và cũng không phát sinh lãi, lỗ.

Vậy tại sao định giá Công ty lại “phồng to” từ năm 2009 đến gần hết năm 2014, để rồi bất ngờ “xẹp xuống” vào cuối năm 2014? Biến cố gì đã xảy ra tại Giai Việt dẫn đến sự thay đổi này? Hay QCG đã mua quá đắt Giai Việt trong quá khứ? Hay QCG đã được mua hời trong năm 2015?

Vấn đề thứ ba là có hay không hành vi “rút ruột” và trốn thuế tại QCG?

Việc giao dịch Giai Việt diễn ra năm 2014 dẫn đến tổng giá trị các khoản lỗ hoạt động đầu tư của QCG lên tới 310,7 tỷ đồng. Đây là năm mà QCG thực hiện bán lại dự án tại TP.HCM cho doanh nghiệp liên quan đến Novaland thông qua thoái toàn bộ khoản vốn đầu tư tại Công ty TNHH Phú Việt Tín.

Trong khoảng thời gian 2014 - 2015, bằng bút toán bán đi và mua lại Giai Việt, sở hữu của QCG tại Giai Việt không đổi (xét theo tỷ lệ sở hữu), nhưng chỉ thông qua 2 giao dịch mua vào - bán ra, lợi nhuận QCG giảm tới 258 tỷ đồng.

Không khó để nhận thấy, trên báo cáo tài chính hợp nhất QCG năm 2014 có kiểm toán, bán Phú Việt Tín là thương vụ duy nhất mang lại lợi nhuận. Tất cả các hoạt động khác, từ thoái các khoản đầu tư, hoạt động kinh doanh chính (tính tổng 3 nhóm) đều bị lỗ.

Trong đó, bên cạnh thanh lý khoản đầu tư gây lỗ lớn, hoạt động kinh doanh chính hạch toán lỗ gộp hơn 38 tỷ đồng, ngoài ra là các chi phí khác (chi phí tài chính, chi phí quản lý…). Đây là năm đặc biệt, bởi trong các năm kể từ năm 2009, lần đầu tiên QCG lỗ gộp.

Với những diễn biến đặc biệt ấy, năm 2014, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp của QCG hạch toán trên báo cáo tài chính chỉ là 3,5 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty là 32,8 tỷ đồng.

Một điểm lưu ý khác, QCG bắt đầu “phình to” định giá Giai Việt năm 2009 sau khi Công ty phát hành tăng vốn điều lệ. QCG đã tăng thêm hơn 73 tỷ đồng mệnh giá cổ phần năm 2008 (trước khi niêm yết) để tăng vốn điều lệ từ 259 tỷ đồng lên hơn 332 tỷ đồng, với tổng số tiền thu về (bao gồm thặng dư) là 263,7 tỷ đồng, lớn hơn không đáng kể so với tổng số tiền mà QCG tăng đầu tư vào Giai Việt giai đoạn này là 251,3 tỷ đồng. 

Dấu hỏi các khoản đầu tư

QCG có nhiều dự án được triển khai dưới tên các công ty con, công ty liên kết. Báo cáo tài chính, báo cáo thường niên các công ty này cho thấy điều đó một cách rõ ràng. Thế nhưng, cổ đông QCG có được hưởng lợi từ các khoản đầu tư này hay không lại là một câu chuyện khác.

Niêm yết từ năm 2010, nhưng trong suốt quãng thời gian từ đó đến nay, chỉ có năm 2017, cổ đông QCG được hưởng trái ngọt từ hoạt động kinh doanh của Công ty. Dù vậy, cần lưu ý rằng, lợi nhuận năm 2017 cũng chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, mà bản chất của các giao dịch tài chính này là bán dự án.

Vì sao hoạt động kinh doanh chính của QCG lại không tạo ra lợi nhuận tương xứng? Vì sao các năm trước, với hàng loạt giao dịch mua bán cổ phiếu, QCG vẫn không có lợi nhuận cao?

Đáng chú ý, năm 2017, QCG mạnh tay bỏ tiền mua các công ty con, với số lợi thế thương mại lớn hơn rất nhiều giá trị giá trị sổ sách tại thời điểm mua.

Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất QCG cho thấy, năm 2017, Công ty thu tiền đầu tư vào đơn vị khác là 788,1 tỷ đồng, nhưng chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác lên tới 1.447 tỷ đồng, trong đó riêng 2 khoản đầu tư vào Công ty Hiệp Phúc và Sông Mã trị giá gần 470 tỷ đồng, khiến QCG phải hạch toán khoản lợi thế thương mại gần 364 tỷ đồng.

Định giá nào cho tính phù hợp của các giao dịch trên? QCG có trốn thuế không? Cổ đông QCG có bị xâm phạm lợi ích hay không? Những câu hỏi còn đó, trong lòng cổ đông và nhiều người.

 

Theo TNCK/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khách hàng "tố" mỹ phẩm Coreana mập mờ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm

Được biết đến là cơ sở chuyên kinh doanh, nhập khẩu các sản phẩm mỹ phẩm chính hãng nhưng việc cửa hàng Coreana (341 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) không dán tem nhãn phụ theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhãn hàng hóa đã và đang làm dấy lên hoài nghi về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm này, khiến người tiêu dùng hoang mang và lúng túng khi mua hàng...