Mập mờ dung tích, Jotun lừa dối người tiêu dùng?

01/11/2019 15:50

Kinhte&Xahoi Với việc không đồng nhất về dung tích thật sự trong những thùng sơn của mình, JoTun đang bị người tiêu dùng “tố” lừa gạt, không thành thật trong kinh doanh.

Với việc không đồng nhất về dung tích thật sự trong những thùng sơn của mình, JoTun đang bị người tiêu dùng “tố” lừa gạt, không thành thật trong kinh doanh sản xuất. Nhiều chuyên gia và khách hàng còn cho rằng hãng sơn “có tiếng” này không sòng phẳng trong cuộc cạnh tranh giành thị trường khốc liệt với các đối thủ khác!

Thùng sơn 20 lít, “bốc hơi” 2 lít...

 Trụ sở của công ty TNHH sơn Jotun Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Nam).

Từ phản ánh của bạn đọc về việc JoTun có biểu hiện lừa dối người tiêu dùng, PV Báo Người Tiêu Dùng đã đi đến trụ sở của công ty TNHH sơn Jotun Việt Nam có trụ sở tại số 1, đường số 10, khu công nghiệp Sóng Thần 1, Phường Dĩ An, TX Dĩ An, Bình Dương để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, công ty TNHH sơn Jotun Việt Nam liên tục viện cớ, lảng tránh không tiếp xúc với PV.

Tại các đại lý bán sơn JoTun trên địa bàn TP.HCM, theo ghi nhận của PV, tất cả các thùng sơn JoTun được bày bán đều không đồng nhất về thể tích thực trên bao bì và thùng sơn.

Cụ thể, trên thùng sơn JoTun Jotashield có hai miếng dán ghi thông tin về sản phẩm và hoàn toàn không đồng nhất về dung tích! Theo đó, miếng dán bên dưới gần đáy thùng ghi rõ sản phẩm phù hợp quy chuẩn QCVN16:2014/BXD, ngày sản xuất 22/2/2016, hạn sử dụng 36 tháng kể từ ngày sản xuất và thể tích thực là 4,5 lít. Thế nhưng, ngay bên dưới nhãn này, trên vỏ bình lại in đậm chữ "5 lít" kèm thêm tên một doanh nghiệp là Công ty TNHH TRUONG KHA (tức Công ty TNHH Trường Kha, có địa chỉ tại quận 2, TP.HCM).

Dòng chữ in "5 lít" khá to và một miếng giấy có thông tin sản phẩm được dán vào ghi "4,5 lít" thì nhỏ hơn? (Ảnh: Nguyễn Nam)

Tương tự, loại sơn JoTun Jotatough, JoTun Majestic... trên vỏ thùng cũng in 2 chữ lớn "5 lít", trong khi trên nhãn dán ghi thể tích thực 4,5 lít...

Không chỉ những thùng sơn 5 lít mới có sự không đồng nhất về dung tích mà các thùng sơn lớn hơn như loại 15 lít cũng có nhiều dấu hiệu bất thường. Cụ thể thùng sơn 15 lít lại ghi thể tích thực 13,5 lít.

Tương tự dòng sơn 5 lít, dòng sơn 15 lít cũng được "ăn bớt" đi 1.5 lít (Ảnh: Nguyễn Nam)

Lý giải về vấn đề này, các chủ đại lý sơn JoTun đều khẳng định: “Thể tích thực trong thùng sơn 5 lít chỉ là 4,5 lít; trong thùng sơn 15 lít thể tích thực chỉ là 13,5 lít.

Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Người Tiêu Dùng, anh P.T (khách hàng) cho hay, hơn một tháng trước vì có nhu cầu sửa nhà nên tôi đến một đại lý bán sơn JoTun trên địa bàn quận Thủ Đức để mua loại sơn JoTun Majestic (loại 15 lít). Sau khi mang sản phẩm về nhà tôi mới phát hiện trên bao bì và thùng sơn không đồng nhất về thể tích thực. Mang thắc mắc đến khiếu nại đại lý bán sơn thì chủ cơ sở này khẳng định: Nhà sản xuất ghi sao tôi bán vậy!
 
Cố tình ghi thông tin mập mờ, không trung thực

Ông T. cho biết thêm, với việc trên một thùng sơn thể hiện hai thông tin khác nhau về dung tích đã đặt một dấu hỏi lớn. Phải chăng, đơn vị sản xuất, nhà phân phối sơn JoTun đang cố tình ghi thông tin mập mờ, không trung thực về sản phẩm để gây hiểu nhầm, đánh lừa người tiêu dùng?

Trong khi đó, nhiều chủ đại lý sơn khác cũng tỏ ra khá bức xúc: “Sơn JoTun là một thương hiệu được coi là “có tiếng” trên thị trường sơn Việt, thế nhưng bằng cách “ăn bớt” như thế này để giảm giá thành, đồng thời tung ra nhiều chiêu trò khuyến mãi để thu hút khách hàng, như vậy liệu JoTun có sòng phẳng trong cuộc đua dành thị phần khốc liệt với các đối thủ khác?”

Với việc trên một thùng sơn thể hiện hai thông tin khác nhau về dung tích đã đặt một dấu hỏi lớn, phải chăng đơn vị sản xuất, nhà phân phối sơn JoTun đang cố tình ghi thông tin mập mờ, không trung thực về sản phẩm để gây hiểu nhầm, đánh lừa người tiêu dùng? (Ảnh: Nguyễn Nam)

“Nếu một thùng sơn 15 lít mà dung tích thật chỉ đạt 13.5 lít thì con số 1.5 lít chênh lệch là khá lớn. Nhất là khi giá thành sơn JoTun không hề rẻ. Nếu như vậy cứ 100 thùng sơn loại 15 lít, nhà phân phối, đơn vị sản xuất sẽ “ăn bớt” 150 lít sơn (tương đương 15 thùng). Từ đó có thể suy ra được số tiền mà người tiêu dùng thiệt hại là một con số khổng lồ” - chuyên gia Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Vũ Ngọc Dũng (đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay: “Việc buôn bán sản phẩm ghi những thông tin như trên đã vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP".

Cụ thể, khoản 1 Điều 16 Nghị định 119 nêu: "Phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng đóng gói sẵn không ghi lượng trên nhãn hàng hóa hoặc ghi không đúng quy định; ghi, khắc đơn vị đo không đúng đơn vị đo lường pháp định".

Cũng theo ông Dũng, nếu đơn vị kinh doanh hàng đóng gói sẵn có lượng ghi trên nhãn hàng hóa không phù hợp với tài liệu đi kèm hoặc ghi lượng của hàng đóng gói sẵn không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố hoặc cơ quan thẩm quyền quy định cũng sẽ bị xử với mức phạt như trên.
             

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vì lợi nhuận, An Khánh Tâm bất chấp pháp luật, lừa dối người tiêu dùng?

Công ty TNHH Đông Y An Khánh Tâm (Công ty An Khánh Tâm) có địa chỉ tại số 27, đường 8, khu đô thị Tecco Vinh Tân, phường Vinh Tân, thành phố Vinh, Nghệ An. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty này là buôn bán các mặt hàng liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, theo phản ánh thì toàn bộ các mặt hàng của công ty này hiện đang được “phù phép” hòng lừa dối người tiêu dùng.

Theo Người Tiêu dùng/ Pháp luật Plus