Minh bạch trong quy định về quỹ bình ổn giá

06/04/2023 15:59

Kinhte&Xahoi Ngày 06/4/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi).

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, về quỹ bình ổn giá, dự thảo luật quy định theo hướng đây là một trong các biện pháp bình ổn giá, không quy định điều khoản riêng về nội dung này. Đại biểu tán thành với quy định trong dự thảo luật, tuy nhiên quá trình thực hiện cần có sự đổi mới để đảm bảo tính công bằng, minh bạch khi áp dụng luật. 

Về định giá hàng hóa dịch vụ, dự thảo luật đã bổ sung thêm một số hàng hóa do nhà nước định giá. Đề nghị thuyết minh thêm, làm rõ nguyên nhân của việc bổ sung các loại hàng này vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá. Tán thành với việc bổ sung thêm các mặt hàng trong danh mục hàng hóa do nhà nước định giá, đại biểu đề nghị rà soát lại tên của các loại mặt hàng để đảm bảo tính chính xác, đồng bộ.

Đối với nội dung quản lý nhà nước về giá, đại biểu đề nghị chỉnh lý tên Chương 3 thành “Quản lý nhà nước về giá”. Đại biểu cũng cho rằng, trong nội dung chương này có nhiều ý trùng lặp, đặc biệt về trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan. Do vậy, cần rà soát, loại bỏ các nội dung trùng lặp, đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng về trách nhiệm của các bộ ngành đảm bảo hợp lý, khả thi.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Đảm bảo công bằng, minh bạch trong quy định về quỹ bình ổn giá

Góp ý về khoản 2 Điều 8 của dự thảo Luật về quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ và hàng hóa trong đó có quy định “trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị là sửa thành là “hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quyết định giá cụ thể”. Theo đại biểu, sửa đổi này nhằm phù hợp với khoản 2 của Điều 21 của dự thảo Luật, giá do Nhà nước quyết định giá cụ thể thì tổ chức và cá nhân phải bắt buộc thực hiện theo giá của Nhà nước quy định.

Về Điều 10 của dự thảo Luật về quyền của người tiêu dùng, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho biết tại khoản 2 có quy định làm người tiêu dùng có quyền góp ý kiến đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, về chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật Giá tập trung về quyền của người tiêu dùng liên quan đến lĩnh vực giá; đối với nội dung quy định này sẽ trùng với khoản 4 Điều 8 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang sửa đổi hiện nay. 

Cần quy định rõ các mặt hàng bình ổn giá

Đối với Quỹ bình ổn xăng dầu, đại biểu cho rằng nên giao Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính quản lý, không giao doanh nghiệp, để đảm bảo tính công bằng. Chính phủ cũng cần nghiên cứu để có phương pháp quản lý tốt hơn. Về lâu dài, cần có lộ trình để dần đảm bảo giá xăng dầu được điều chỉnh hợp lý theo giá thị trường.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Về vấn đề định giá, đại biểu nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng, thời gian qua có nhiều vấn đề nóng liên quan đến định giá, nhưng áp dụng pháp luật, các cơ quan chuyên môn phải tham gia tích cực, còn Bộ Tài chính chỉ ở vai trò hỗ trợ. Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cần có quy định để giúp Bộ Tài chính tham gia sâu hơn vào công tác này.

Quan tâm phát biểu ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí- Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, trong dự thảo Luật này, những quy định về giá dịch vụ y tế  rất mờ nhạt hoặc gần như không tìm thấy. Trong khi đó, vấn đề liên quan đến giá cực kỳ phức tạp, là thành tố quan trọng, dễ phát sinh tiêu cực. 

Nhấn mạnh trong công tác đấu thầu, giá là đích đến của mọi cuộc thương thảo, giá cũng là vấn đề mà kẻ xấu hay lợi dụng tìm kẽ hở để trục lợi, bởi vậy đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nêu rõ, giá dịch vụ y tế còn là vấn đề phức tạp hơn nhiều. Bởi nó có nhiều loại hình, hạng mục, chủng loại … với các mức giá rất khác nhau. Đơn cử như giá khám bệnh, chữa bệnh từ xa khác với khám, chữa bệnh trực tiếp; giá khám bác sĩ trong nước khác giá khám bác sĩ nước ngoài…

Do vậy, nếu trong dự thảo Luật này không quy định cụ thể, rõ ràng, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, mọi thiệt thòi sẽ đổ lên bệnh nhân. Do vậy, đề nghị quy định cụ thể vấn đề về giá dịch vụ y tế vào dự thảo Luật này.

Cần sửa đổi khái niệm cơ sở hình thành giá

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhận thấy, dự thảo Luật lần này đã hoàn chỉnh hơn so với dự thảo Chính phủ trình lần trước, thể hiện được sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Góp ý về vấn đề cụ thể, đại biểu cho biết, khái niệm giá là khái niệm trung tâm và xuất phát điểm của luật. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về định nghĩa giá trong dự thảo Luật. Theo đó, định nghĩa giá thị trường chưa phù hợp với nguyên tắc hình thành giá thị trường. Do đó, cần phải quy định lại định nghĩa cũng như sửa đổi lại khái niệm cơ sở hình thành giá. Theo đại biểu, quy định trong dự thảo luật không phải mang tính thị trường...

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Phân tích về quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, giá là vấn đề rất phức tạp và hình thành trên quan hệ cung và cầu. Tuy nhiên, tinh thần trên vẫn chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Luật. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi lại trên tinh thần “giá thị trường là giá cả hàng hóa, dịch vụ được hình thành trên cơ sở quan hệ cung cầu phù hợp với chất lượng và giá trị sử dụng hàng hóa và khả năng chi trả của người mua".

Về Quỹ bình ổn giá, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng quy định về quỹ là cần thiết nhưng cần có quy định rõ cơ chế quản lý, vận hành quỹ này một cách công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích 3 bên nhà nước doanh nghiệp và Nhân dân.

Đại biểu dẫn chứng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua có nhiều bất cập. Đây là quỹ ngoài ngân sách nhưng lại được trích lập và sử dụng bởi doanh nghiệp nhưng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước là Bộ Công thương. Quỹ này thực chất là sử dụng tiền của dân nhưng quản lý lại bởi doanh nghiệp trích lập do đó khó bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng. Đại biểu cho rằng đề quản lý Nhà nước can thiệp bằng công cụ chính sách và bằng dự trữ nhà nước là điều cần phải được xem xét nghiêm túc.

Về danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị rà soát kỹ và đánh giá tác động kỹ với danh mục này. Đại biểu chỉ rõ thực tiễn đã có những mặt hàng rất thiết yếu, ảnh hưởng đến an sinh xã hội nhưng lại không đưa vào danh mục. 

Tường Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có xu hướng diễn biến phức tạp

Thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng lậu với số lượng lớn. Đây được xem là vấn nạn nhức nhối, không chỉ gây ảnh hưởng đến thương hiệu có uy tín, chất lượng mà còn có thể gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/minh-bach-trong-quy-dinh-ve-quy-binh-on-gia-d192184.html