Mở rộng đầu ra cho thanh long Việt Nam tại thị trường nước ngoài

31/08/2021 14:13

Kinhte&Xahoi Các cơ quan quản lý đang tìm giải pháp hỗ trợ quả thanh long tươi và các sản phẩm từ loại quả này tiếp cận, khai thác thành công những thị trường tiềm năng trên thế giới.

Trong 2 ngày 30-31/8, Bộ Công thương (Cục Xúc tiến thương mại, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài) với sự phối hợp của Sở Công thương Long An và Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thanh long được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu "tỷ đô" của Việt Nam trong những năm qua.

Thanh long được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc (chiếm tới hơn 80%), Thái Lan, Indonesia. Bên cạnh đó, loại quả này cũng đã được xuất khẩu sang nhiều nước khác như Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu và Chile.

Thời gian qua, thanh long Việt Nam đã chiếm thị phần xuất khẩu đáng kể ở các khu vực thị trường như Châu Á, Châu Âu và Mỹ, đồng thời được nhiều người Âu, Mỹ gốc Á biết tới và tiêu thụ. Tuy nhiên, những năm gần đây, thanh long Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh ngày càng tăng lên với một số nguồn cung khác từ Đài Loan, Thái Lan, Malaysia…

Ngoài quả tươi, hiện Việt Nam cũng có các loại sản phẩm thanh long khác như sấy khô, sấy dẻo, nước ép si rô, snack (bim bim), rượu vang, kem, chả cá thanh long, bánh mỳ… cùng một số loại chế biến đã được xuất khẩu.

“Sự đa dạng hoá các sản phẩm giá trị gia tăng từ thanh long của các địa phương và doanh nghiệp được xem là hướng đi đúng để đa dạng kênh tiêu thụ, giảm sức ép mùa vụ, phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm”, ông Phú khẳng định.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết, sản lượng quả thanh long hàng năm của tỉnh đạt khoảng 330.000 tấn. Hiện, tỉnh này đã và đang thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, phát triển vùng thanh long bền vững, theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp theo đơn hàng quanh năm.

Ngoài loại truyền thống vỏ đỏ ruột trắng, tỉnh Long An còn có sản phẩm chủ lực là thanh long ruột đỏ. Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đã phát triển nhiều giống thanh long tím hồng, loại vỏ màu vàng, ruột trắng đẹp mắt với thành phần dinh dưỡng cao.

Đặc biệt, Long An có nhà máy xử lý trái cây bằng công nghệ hơi nước nóng (VHT) với công suất 12.000 tấn/năm và đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu sang một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.

Trong khi đó, ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cho biết, đến nay diện tích trồng thanh long của toàn tỉnh đạt 33.750 ha. Trong đó, diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP đạt11.936 ha, GlobalGAP đạt 517 ha, với sản lượng trung bình 650.000 tấn quả/năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 240 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói và 6 cơ sở chế biến thanh long (rượu vang thanh long, sấy khô, sấy dẻo...).

Vườn thanh long của người dân Bình Thuận

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong bối cảnh hiện nay, một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long, gặp khó.

Thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc siết chặt kiểm dịch đối với nhiều mặt hàng, trong đó có thanh long hoặc đóng biên tại một vài cửa khẩu trong một số thời gian nhất định, các hoạt động logistics có chi phí tăng cao đột biến cũng chồng thêm những bất cập cho xuất khẩu thanh long.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thanh long Việt Nam tại các thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục tăng. Hiện cũng có khá nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam.

Vì vậy, để tiếp tục hỗ trợ thanh long Việt mở rộng thị phần trên thế giới, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cam kết luôn nỗ lực đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thanh long Việt Nam trong hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến phát triển thị trường.

Về phía các cơ quan thương vụ, ông Nguyễn Phú Hòa - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, đơn vị này đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị, quảng cáo quả thanh long tại thị trường Australia. Đến nay, trên kệ nhiều siêu thị tại Australia đã bày bán quả thanh long và những sản phẩm chế biến từ thanh long của Việt Nam.

Tới đây, cùng với việc tiếp tục tiếp thị quảng bá thanh long Việt Nam tới người tiêu dùng gốc Á, cơ quan thương vụ cũng sẽ đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá mặt hàng này tới người tiêu dùng phương Tây tại Australia để mở rộng hơn nữa thị trường cho thanh long Việt.

Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, người tiêu dùng nước sở tại coi thanh long là loại quả giàu dinh dưỡng, giàu chất xơ, đem lại làn da đẹp, mịn màng. Họ thường ăn thanh long theo kiểu làm salad, trộn với ngũ cốc, hoặc ăn trực tiếp.

Các sản phẩm chế biến từ thanh long như nước đóng chai, sấy dẻo, kẹo thanh long… nên đa dạng hơn về mẫu mã, mùi vị, nâng cao chất lượng để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại Nhật Bản.

Ngoài ra, ông Tạ Đức Minh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sự ổn định giá cả và lượng của sản phẩm do người tiêu dùng Nhật Bản nhạy cảm với sự thay đổi liên tục giá bán sản phẩm.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng nên chú trọng đầu tư nghiên cứu và áp dụng công nghệ, kỹ thuật sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, mẫu mã sản phẩm, từ đó đáp ứng thị hiếu riêng biệt của từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau.

Văn Huy - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/mo-rong-dau-ra-cho-thanh-long-viet-nam-tai-thi-truong-nuoc-ngoai-175651.html