Mới đầu hè, tiêu thụ điện đã lập kỷ lục

28/04/2024 10:49

Kinhte&Xahoi Những ngày gần đây ghi nhận lượng điện tiêu thụ liên tục tăng cao và ở mức kỷ lục do thời tiết nắng nóng ở cả ba miền.

Nắng nóng khiến cho lượng điện tiêu thụ tăng cao trong những ngày qua - Ảnh: PHONG SƠN

Thực tế này đặt ra nhiều thách thức cho đảm bảo điện khi vào mùa cao điểm, việc chuẩn bị dự phòng nguồn điện gặp nhiều khó khăn do nước về các hồ ở mức thấp.

Tiêu thụ điện liên tục lập kỷ lục vì nắng nóng

 Ghi nhận 15h chiều 27-4, phụ tải của miền Bắc lên mức 18.514,2MW, miền Nam ở mức 17.853,2MW và miền Trung là 3.728,2MW. Đây là mức cao nhất trong ngày khi nắng nóng tiếp tục lan rộng ở cả ba miền, đặc biệt là miền Nam khiến cho nhu cầu điện liên tục tăng cao.

Trong ngày hôm qua, công suất phụ tải đỉnh (công suất sử dụng điện) cao nhất của cả nước lên tới 48.627,4MW được thiết lập vào 14h. Đây là mức cao nhất khi tuần qua phụ tải thường giao động ở mức 44.000 - 45.000MW và cũng là mức cao kỷ lục khi so với các năm trước, khi công suất tiêu thụ điện cao vượt lên mức trên 45.000MW vào năm ngoái. Dù vậy, mức kỷ lục này vẫn được dự báo là "chưa phải đỉnh" của mùa hè năm nay khi sắp tới có thể có nhiều "kỷ lục" tiêu thụ điện mới.

Lượng điện tiêu thụ mạnh trong bối cảnh nắng nóng gay gắt ở cả ba miền đang đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện vào những đợt cao điểm sắp tới. Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), nhu cầu sử dụng điện tiếp tục duy trì ở mức cao, với sản lượng trung bình ngày của tuần từ ngày 15 đến 21-4 là hơn 881 triệu kWh, cao hơn khoảng 2,4 triệu kWh. Riêng miền Bắc, nhu cầu tiêu thụ điện bình quân tăng 13 triệu kWh/ngày so với tuần trước đó, song việc cấp điện vẫn được đảm bảo.

Lượng điện tiêu thụ tăng đã khiến cho Trung tâm Điều độ hệ thống điện phải tăng khai thác thủy điện cao hơn trong những ngày nắng nóng. Cục Điều tiết điện lực cho rằng dự kiến trong các ngày tới sẽ tiếp tục phải khai thác cao thủy điện cho đến nghỉ lễ 30-4 và 1-5, do ảnh hưởng của nắng nóng miền Bắc, phụ tải tăng cao.

Tiết kiệm nước tối đa để phát vào cao điểm

 Điều đáng lo ngại là tình hình nước về các hồ thủy điện ở mức thấp. Trong đó, các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước chỉ đạt khoảng 25 - 80% mức trung bình; miền Trung có 21/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với mức trung bình là từ 17 - 92% và chỉ có 7/27 hồ có nước về tốt. Ở miền Nam ngoại trừ Đồng Nai 2, Trị An có nước về cao hơn mức trung bình, các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn từ 24 - 74% so với mức trung bình.

Đến nay, lượng nước tích trong các hồ vẫn đang thấp hơn so với kế hoạch tháng do sản lượng theo nước về (cả thủy điện nhỏ) các ngày trong tuần trung bình khoảng 57,3 triệu kWh/ngày, thấp hơn 28 triệu kWh/ngày so với phương thức vận hành của tháng 4 (85,3 triệu kWh/ngày).

Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý cho hay đã thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải. Mục tiêu là tiết kiệm nước triệt để các hồ hủy điện, tăng huy động nhiệt điện, giữ nước cho phát điện nhằm đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng.

Tại miền Trung và miền Nam, cơ quan điều độ cũng đưa các nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành; huy động các nhà máy BOT (Duyên Hải 2, Phú Mỹ 22, Vân Phong 1) cũng như đã huy động tất cả các tổ máy nhiệt điện than, tuốc bin khí để tiết kiệm nước.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay đã xây dựng hai phương án điều hành, điều chỉnh sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tăng thêm tương ứng là 4,2 và 2,8 tỉ kWh. Tuy vậy, đối với miền Bắc dự phòng nguồn điện rất thấp và tiềm ẩn rủi ro nếu xảy ra đồng thời các yếu tố bất lợi như: lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, nhiệt điện than xảy ra sự cố/suy giảm công suất... cần phải thực hiện điều hòa, điều tiết phụ tải và huy động thêm nguồn diesel mượn của khách hàng.

Trong đó EVN đã trữ nước ở mức tối ưu nhất, tương ứng với sản lượng điện đến cuối quý 1 là 11,3 tỉ kWh, cao hơn 1,5 tỉ kWh theo kế hoạch. Yêu cầu các đơn vị chuẩn bị nguồn nhiên liệu than, khí với mức dự phòng cao nhất để sẵn sàng cho phát điện, huy động ở mức cao; phối hợp với khách hàng để có thể huy động máy phát diesel dự phòng...

Bộ Công Thương cho biết để đáp ứng nhu cầu điện những đợt cao điểm nắng nóng sắp tới, cũng như đảm bảo cung ứng vào dịp nghỉ lễ, cơ quan điều hành đã yêu cầu tiết kiệm triệt để các hồ thủy điện, đặc biệt các hồ có mực nước thấp, điều hành linh hoạt phù hợp với khả năng lấy nước nhằm giữ nước cho phát điện trong cao điểm mùa nắng nóng.

Huy động các nhà máy nhiệt điện than theo nhu cầu, nhà máy điện khí, đảm bảo ràng buộc về giới hạn truyền tải của lưới điện, chất lượng điện áp. Với nguồn năng lượng tái tạo sẽ huy động cao nhất có thể, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và không làm quá tải hệ thống điện. Trường hợp cần thiết có thể huy động chạy dầu và tạo điều kiện cho các nhà máy điện mới thử nghiệm.

 Theo Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nắng nóng kéo dài, Miền Bắc tăng hơn 13 triệu kWh/ngày

Theo Cục điều tiết điện lực, trong tuần từ 15-21/4/2024 nắng nóng diễn ra tại các miền trên cả nước, nhu cầu phụ tải tiếp tục duy trì ở mức cao. Riêng miền Bắc phụ tải bình quân tuần qua tăng hơn 13 triệu kWh/ngày so với tuần trước đó do nắng nóng vào cuối tuần.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/moi-dau-he-tieu-thu-dien-da-lap-ky-luc-664889.html