Mưa lớn tại miền Trung rất nguy hiểm, ở mức cảnh báo cao nhất

15/10/2023 06:51

Kinhte&Xahoi Mưa lớn tại miền Trung đã làm 2 người chết, 1.564 ngôi nhà bị ngập, nhiều tuyến đường bị ngập lụt sâu... Dự báo mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Công an thành phố Đà Nẵng di chuyển các hộ dân bị ngập lụt ở quận Liên Chiểu đến nơi an toàn.

Mưa lớn gây thiệt hại nặng

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ ngày 10-10 đến nay, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam đã xảy ra đợt mưa rất lớn. Lượng mưa lớn nhất ghi được tại thành phố Đà Nẵng là 814mm, tỉnh Thừa Thiên - Huế 866mm, tỉnh Quảng Nam 710mm, tỉnh Hà Tĩnh 641mm, tỉnh Quảng Bình 336mm, tỉnh Quảng Trị 447mm...

Tính đến 17h chiều nay (14-10), mưa lớn đã làm 2 người chết ở tỉnh Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế do bị nước cuốn trôi; 1.432 ngôi nhà ở thành phố Đà Nẵng và 115 ngôi nhà ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, 17 ngôi nhà ở tỉnh Quảng Trị bị ngập. Nhiều khu vực trũng thấp tại thành phố Đà Nẵng bị ngập sâu từ 0,3 đến 0,5m. Một số nơi thuộc các quận, huyện: Thanh Khê, Cẩm Lệ, Hòa Vang ngập sâu từ 1 đến 1,5m...

Để giảm thiệt hại do mưa lớn gây ra, thành phố Đà Nẵng đã sơ tán 3.910 người dân sinh sống từ nơi trũng thấp, nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn. Tỉnh Thừa Thiên - Huế sơ tán 147 người. Thành phố Đà Nẵng cho học sinh toàn thành phố nghỉ học.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (đứng bên phải) động viên nhân dân ở lại điểm sơ tán và lưu ý chính quyền địa phương bảo đảm lương thực, thực phẩm cho nhân dân tại điểm sơ tán.

Hôm nay, lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế... đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn. Kiểm tra tình trạng ngập lụt tại các quận: Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà... và một số điểm sơ tán dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang tập trung sơ tán nhân dân ở các khu vực bị ngập sâu đến nơi cao ráo, an toàn. Đồng thời, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt thiết yếu, nhu yếu phẩm cho nhân dân. Các lực lượng chức năng khẩn trương rào chắn, quyết liệt ngăn chặn, không cho người dân, nhất là trẻ em đi lại ở các đoạn đường, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn, tránh sa vào các hố sâu cũng như xảy ra tai nạn đáng tiếc...

Còn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, lực lượng chức năng, trong ngày 14-10, đã kịp thời cứu 2 mẹ con ở xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền) bị nước lũ cuốn khi đi qua đoạn đường bị ngập sâu... Lực lượng chức năng huyện Phú Vang đã huy động lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời bảo vệ nhiều công trình phòng, chống thiên tai, nhà ở của người dân...

Mưa lớn còn duy trì trong nhiều ngày tới

Trao đổi với phóng viên trong chiều 14-10, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) Nguyễn Văn Hưởng đánh giá đợt mưa này ở miền Trung đang ở mức rất nguy hiểm, thể hiện bằng cấp độ rủi ro do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã đưa ra ở khu vực Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế đạt cấp 4 (cấp độ cao nhất trong cảnh báo mưa lớn).

“Tuy nhiên, so với đợt mưa kỷ lục xảy ra từ ngày 1 đến 6-11-1999, thì đợt mưa đã, đang và tiếp tục diễn ra ở khu vực Trung Bộ có cường độ không khốc liệt, gay gắt bằng”, ông Nguyễn Văn Hưởng thông tin thêm.

Nguyên nhân xảy ra đợt mưa lớn này, theo ông Nguyễn Văn Hưởng, vẫn là do hình thế điển hình trong mùa mưa ở miền Trung, đó là tác động của không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và đới gió Đông... Dự báo các hình thế này còn hoạt động mạnh trong những ngày tới.

Ngoài ra, trên vùng biển giữa Biển Đông đã xuất hiện vùng áp thấp, đang dịch chuyển hướng vào đất liền các tỉnh, thành phố miền Trung. Do vậy, trọng tâm của đợt mưa lớn những ngày tới có thể dịch chuyển từ vùng ven biển, trung du vào sâu trong đất liền và vùng núi phía Bắc các tỉnh miền Trung.

Dự báo từ chiều tối nay đến ngày 16-10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi cao hơn 400mm; trong đó, các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam có thể đạt 300-500mm, có nơi cao hơn 800mm; các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định 150-250mm, có nơi cao hơn 400mm; tỉnh Hà Tĩnh 50-100mm, có nơi cao hơn 150mm.

Từ đêm 16 đến ngày 17-10, mưa có xu hướng mở rộng lên phía Bắc. Các tỉnh từ phía Nam Nghệ An đến Bình Định mưa lớn, lượng mưa đạt 100-300mm, có nơi cao hơn 500mm. Sau ngày 17-10, mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp.

“Những ngày tới, người dân các tỉnh, thành phố miền Trung đặc biệt đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp, gió mạnh gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển...”, ông Nguyễn Văn Hưởng khuyến cáo.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, đêm nay (14-10) và sớm mai, thành phố Hà Nội có mưa nhỏ vài nơi, gió Đông Bắc cấp 2, thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp nhất 22-24 độ C. Trưa và chiều mai, giảm mây và nắng, nhiệt độ tăng, mức cao nhất phổ biến 28-30 độ C, riêng khu vực trung tâm thành phố 29-31 độ C.

Trạng thái thời tiết nêu trên tại Hà Nội còn duy trì đến ngày 17-10. Ảnh hưởng hai đợt không khí lạnh, từ ngày 18 đến 21-10, Hà Nội mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa to kèm dông, lốc, sét và gió giật mạnh; nhiệt độ giảm sâu trong ngày 20 và 21-10 với mức nhiệt thấp nhất 20-21 độ C.

Kim Nhuệ - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đường đi của chân gà, cánh gà “bẩn”

Những món ăn từ chân gà, cánh gà từ lâu đã trở thành đồ ăn khoái khẩu của nhiều thực khách. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rằng, những món ăn hấp dẫn đó có thể là nguyên nhân khiến sức khỏe bị tổn hại.

Nguồn Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/mua-lon-tai-mien-trung-rat-nguy-hiem-o-muc-canh-bao-cao-nhat-645001.html