Mua thực phẩm online: Tiện nhưng chưa lợi

08/05/2022 11:14

Kinhte&Xahoi Bận rộn quá gọi đồ ăn sẵn ship đến; hàng ngày đi làm, tranh thủ thời gian lướt chợ trực tuyến đặt mua hàng, tối về có đồ nấu ăn; cuối tuần nhấc điện thoại mua thực phẩm… Có thể nói, đi chợ online đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn hiện nay, nhất là giới trẻ.

Sôi động chợ trực tuyến

 Chỉ cần ngồi ở nhà lướt mạng facebook là mọi người có thể đi chợ mua thực phẩm từ đồ sống đến đồ chín, từ hản sản đến các đặc sản vùng miền. Chỉ sau một cú click chuột, hàng sẽ được giao ngay theo theo gian mà người mua ấn định. Giá cả từ bình dân đến cao cấp.

Thực phẩm online luôn sôi động

Với sự tiện lợi này, đi chơ online đang thu hút rất nhiều người, nhất là giới trẻ bận rộn. Tuy nhiên bên cạnh những tiện ích đó, là không ít sự lo ngại về chất lượng sản phẩm. Bởi trên không gian mạng xã hội, bên cạnh những cửa hàng, nhà hàng có giấy phép, địa chỉ cụ thể thì cũng không ít người bán hàng online nhỏ lẻ kiểu gia đình.

Chị Trịnh Thị Thu ở quận Hoàng Mai cho biết: “Lướt facebook thấy một người bạn bán thực phẩm làm sẵn, tôi đặt mua về nhà, trong đó có sắn hấp lá dứa. Khi nhận hàng tôi mới thấy, đồ ăn không đẹp như trên trang facebook giới thiệu, củ sắn do để quá lâu nên khi tôi mở ra đã có mùi ôi và nhão nhoét. Phản ánh với người bán, họ chỉ xin lỗi là xong, còn tiền mình vẫn bị mất.

Tôi thấy nghi ngại về chất lượng nên cũng đã hỏi thêm nguồn gốc của những món nem chiên, thịt kho, bạn bán hàng nói ra chợ mua đồ rồi về làm, không có giấy tờ gì cả. Mua thực phẩm online kiểu này, tôi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm”.

 Một điều dễ nhận thấy là thực phẩm mua trực tuyến hầu hết đều trong tình trạng 3 không: không nhãn mác, không nguồn gốc và không có hạn sử dụng. Nhiều người mua vì hay tương tác trên facebook, vì người quen ăn rồi giới thiệu, vì là bạn, vì là hàng xóm… Điều đáng nói là đa số người bán đồ ăn trực tuyến đều có quy mô nhỏ, không giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biễn sẵn không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… Đã thế, phần lớn shop thực phẩm trên facebook còn không có cửa hàng, địa chỉ cụ thể, chỉ có số điện thoại và nhắn tin inbox để giao dịch bán hàng. Vì vậy, khi mua phải thực phẩm kém chất lượng, không như quảng cáo, người mua cũng chỉ còn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Thận trọng khi mua thực phẩm online

 Có thể nói, với thực phẩm không giấy phép, không nguồn gốc, chỉ mua bán bằng niềm tin, chợ online tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Mua thực phẩm online, nếu là những hàng uy tín hoặc nơi quen biết mình đã từng sử dụng sản phẩm ở đó thì có thể dùng được. Những nơi không đảm bảo, bán hàng nhỏ lẻ, chúng ta nên thận trọng khi mua hàng. Bởi thực phẩm không đảm bảo chất lượng dễ gây ngộ độc. Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn mà không được kiểm soát, người bán có thể dùng những mặt hàng ôi thiu để giá đầu vào thấp hơn, thậm chí là dùng chất bảo quản để hạn sử dụng được dài hơn sẽ gây ảnh hưởng lâu dài cho sức khoẻ. Khi thực phẩm bị ôi thiu mà vẫn chế biến món ăn, các chất dinh dưỡng bị biến chất, các vitamin giảm đi...".

Với những người bận rộn, đi chợ online luôn là sự lựa chọn hàng đầu

Theo đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tận dụng lợi thế của thương mại điện tử, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh thường xuyên rao bán, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online, cộng đồng các khu dân cư, v.v... Các nhóm mặt hàng phổ biến như: thực phẩm tự chế biến/hand made, thực phẩm tươi sống , đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh, v.v... Tuy nhiên, việc mua - bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố; thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm, v.v... Các hành vi vi phạm ngày cách tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.

Với những người bận rộn, đi chợ online luôn là sự lựa chọn hàng đầu

Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo: Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (Tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …); Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, Thông tin về điều kiên giao dịch chung, các chính như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vẫn chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng;

Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

 Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/mua-thuc-pham-online-tien-nhung-chua-loi-195820.html