Mỹ - Anh khó đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit?

06/06/2019 10:03

Kinhte&Xahoi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Anh vừa qua hứa hẹn về một thỏa thuận thương mại với Anh sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Tuy nhiên, CNN dẫn các chuyên gia cho rằng việc đạt được thỏa thuận như vậy là tương đối khó.

Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh tại họp báo

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với ông Trump ngày 4/6, Thủ tướng Anh Theresa May đánh giá cuộc thảo luận giữa bà và ông Trump là “tích cực” về triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại giữa 2 nước sau Brexit.

Về phần mình, ông Trump cũng bày tỏ tin tưởng vào khả năng Anh và Mỹ sẽ tiến tới một thỏa thuận thương mại “rất, rất quan trọng” sau khi Anh rời EU. Ông Trump thậm chí cho rằng thỏa thuận giữa 2 bên nếu được thông qua sẽ là một “hiện tượng”, giúp tăng kim ngạch thương mại giữa Anh và Mỹ lên gấp 2 lần, thậm chí là 3 lần so với mức hiện nay.

Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận mà ông Trump cho rằng sẽ có lợi cho Anh như vậy được dự báo không hề dễ dàng. Bởi, trên thực tế, cho tới khi tiến trình Brexit hoàn tất, Anh không thể tự do đàm phán với các đối tác tiềm năng của nước này.

Bên cạnh đó, tiến trình để Anh rời khỏi EU cũng vẫn đang diễn ra đầy hỗn loạn. Trong vài ngày tới, bà May sẽ từ chức, để lại nhiệm vụ đầy khó khăn là hiện thực hóa kết quả cuộc trưng cầu ý dân về Brexit cho người kế nhiệm. Trong ít ngày tới, cuộc đua tranh chiếc “ghế” mà bà May để lại sẽ chính thức diễn ra.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi các cuộc đàm phán chính thức về một thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ được khởi động, việc thương thảo nhiều khả năng sẽ kéo dài trong nhiều năm và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào bởi một loạt các vấn đề, như các rào cản liên quan đến nông nghiệp, hệ thống y tế...

Giáo sư về kinh doanh quốc tế tại Đại học Georgetown Marc Busch thậm chí cho rằng, trong bối cảnh thực tế hiện nay, không có nhiều cơ sở để tin rằng Mỹ và Anh sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại. EU hiện là đối tác kinh tế lớn nhất của Anh, chiếm 49,4% tỉ trọng thương mại của nước này trong khi Mỹ chỉ đứng thứ hai. Theo số liệu của Mỹ, kim ngạch thương mại giữa 2 nước trong năm 2018 đạt 262 tỷ USD.

Anh hiện đang tiến hành hoạt động thương mại với các nước trên thế giới dựa trên những điều khoản do EU đàm phán. Vì vậy, việc Anh rời khỏi EU cũng đồng nghĩa với việc nước này sẽ phải đàm phán về các thỏa thuận thương mại riêng. Song, việc để các điều khoản đàm phán đi quá xa cũng sẽ khiến Anh phải đối mặt với nhiều hậu quả.

Theo các nhà quan sát, các đối tác đàm phán của Anh, trong đó có Mỹ có thể sẽ tìm cách buộc Anh chấp nhận những nhượng bộ, ví dụ như những thay đổi đối với các tiêu chuẩn an toàn và môi trường phổ biến trên toàn EU. Điều này sẽ đẩy Anh ra xa khỏi đối tác thương mại lớn nhất của nước này và khiến cho Anh khó tránh được việc phải kiểm tra biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland.

 Theo Pháp luật Plus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Biểu giá điện bậc thang bộc lộ nhiều bất cập

Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội mới đây cho biết, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu xem xét lại quy định về các bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện, đánh giá đầy đủ tác động của việc điều chỉnh đến các nhóm khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Vậy biểu giá hiện hành có gì bất cập và nên sửa theo hướng nào?