Mỹ phẩm Pinky House: Hàng lậu “ẩn mình” trong vỏ bọc xách tay?

02/08/2019 16:06

Kinhte&Xahoi Nhiều sản phẩm được bày bán tại Pinky House không đủ điều kiện lưu thông ngoài thị trường như không có tem phụ đề tiếng Việt, không có tên nhà cung cấp, nhà phân phối.

Được nhắc đến trên thị trường là một cửa hàng mỹ phẩm khá tiếng tăm, thế nhưng ít ai biết được rằng Pinky House, có trụ sở tại 179 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội lại đang vướng phải nghi vấn xung quanh việc cửa hàng này có dấu hiệu buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, kém chất lượng “đội lốt” hàng xách tay.

Pinky House khẳng định chắc nịch toàn bộ sản phẩm là hàng xách tay, chính hãng.

Ghi nhận thực tế tại cửa hàng cho thấy, tại đây bày rất đa dạng các mặt hàng mỹ phẩm với đầy đủ chủng loại từ son, kem nền, sữa rửa mặt, kem dưỡng da,… của một loạt nhãn hàng nổi tiếng như Vichy, Biore, L’Oréal, Innisfree…Thế nhưng,  phần lớn các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng đều không có tem phụ đề bằng tiếng Việt, không có tên nhà cung cấp, nhà phân phối,…  

 Một sản phẩm của Biore bày bán tại cửa hàng không có tem phụ đề tiếng Việt.

Nhãn phụ bằng tiếng Việt được xem là quy định bắt buộc của sản phẩm nhập khẩu lưu hành tại Việt Nam. Nhãn phụ được dán trên bao bì, hộp, sản phẩm để thể hiện các thông tin đầy đủ, chi tiết về nguồn gốc xuất xứ, nhà nhập khẩu và phân phối hàng hóa, giúp các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, kiểm tra sản phẩm nhập khẩu, đồng thời giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm chính hãng.

 

Sản phẩm chi chít những dòng chữ nước ngoài khiến khách hàng hoang mang về nguồn gốc cũng như công dụng.

PV có nhu cầu tìm mua sản phẩm dưỡng da tại Pinky House, nhân viên tại đây đã nhanh chóng đưa ra một bộ sản phẩm của nhãn hàng danh tiếng đến từ Hàn Quốc Innisfree. Bộ sản phẩm bao gồm: nước hoa hồng, sữa dưỡng và kem dưỡng được nhân viên tư vấn là hàng xách tay Hàn Quốc 100%. Khi PV hỏi về giá thành  sản phẩm thì được nhân viên thông báo là 350.000 VNĐ cho một bộ sản phẩm, giá chưa bằng 1/3 giá bán tại Innisfree Việt Nam. 

Khi được hỏi về nguồn gốc, công dụng của một số sản phẩm bày bán tại cửa hàng thì nhân viên tại đây mới bắt đầu giới thiệu về công dụng cũng như hướng dẫn cách thức sử dụng. Khách hàng tuyệt nhiên không có thông tin gì về sản phẩm mình đang cầm trên tay, và chỉ khi được nhân viên tư vấn nói rõ, khách hàng mới biết đó là sản phẩm gì, công dụng, cách dùng ra sao. Chính sự mập mờ trong cách thức bán hàng và thiếu thông tin về nguồn gốc sản phẩm đã khiến khách hàng đặt nhiều nghi vấn về nguồn gốc, cũng như chất lượng thực sự của những sản phẩm được quảng cáo là hàng xách tay này.

Theo Nghị định số 89/2006/NĐ – CP về nhãn hàng hóa và Nghị định 43/2017/NĐ-CP nêu rõ: “Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc."

Khi cố tình vi phạm các quy định này, tổ chức, cá nhận chịu trách nhiệm về hàng hóa nhập khẩu có thể phải chịu mức phạt đến 80 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm theo quy định tại Điều 26 Nghị định Nghị định số 80/2013/NĐ-CP.

Trước sự việc trên, đề nghị cơ quan Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Duy

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mèo Cosmetics: Mỹ phẩm nhập lậu gắn mác hàng xách tay?

Mỹ phẩm nhập ngoại từ lâu vẫn được coi là sự lựa chọn hàng đầu của phần đông phụ nữ yêu thích làm đẹp. Những sản phẩm xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Pháp luôn có sức hút cực kì lớn. Nắm bắt được thị hiếu đó, nhiều cửa hàng mỹ phẩm đã nhanh chóng mọc lên với những lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn: Mỹ phẩm xách tay, mỹ phẩm cao cấp... Thế nhưng đằng sau những lời quảng cáo "bắt tai" kia, không ai biết nguồn gốc thực sự của những sản phẩm được chào mời với những tên gọi mỹ miều ấy đến từ đâu.

Nguồn: HATAP