Năm 2022 sẽ tăng cường xử lý vi phạm, trục lợi trên thị trường chứng khoán

05/01/2022 14:15

Kinhte&Xahoi Đây là một trong những nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm 2022.

Tại buổi lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 song nền kinh tế nước ta vẫn có sự tăng trưởng đáng ghi nhận với mức tăng GDP khoảng 2,59%, các yếu tố vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái... vẫn được duy trì ở mức ổn định, thu hút đầu tư tăng nhanh.

Đặc biệt, các lĩnh vực tài chính, ngân sách và chứng khoán đạt thành tựu quan trọng. Thu ngân sách vượt 16,4% so với dự toán, trong đó thu trên thị trường chứng khoán khoảng gần 11 nghìn tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm trước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Theo đánh giá của người đứng đầu ngành Tài chính, năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chỉ số VNIndex tăng thêm 35,7% so với mốc lịch sử là 1.498 điểm vào phiên cuối năm, thanh khoản đạt mức gấp 2,6 lần 2020, đạt 26,6 nghìn tỷ đồng/phiên, đặc biệt giá trị giao dịch chứng khoán trong tháng 9 liên tục đạt trên 1 tỷ USD, có những phiên lên tới 2 tỷ USD.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,77 triệu tỷ đồng, tăng 46,8%, đạt 123% so với GDP 2020 chưa điều chỉnh, 92,6% so với GDP đã điều chỉnh. Số lượng nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán đạt mức kỷ lục (trên 1,5 triệu tài khoản), bằng 4 năm trước đó cộng lại.

Giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán tăng 25% so với năm 2020, trong đó phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 155.588 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm trước.

Huy động vốn cho ngân sách Nhà nước đạt 318 nghìn tỷ đồng với kỳ hạn huy động bình quân dài nhất 13,92 năm và lãi suất huy động bình quân thấp nhất đạt 2,3% năm, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công của Chính phủ.

Năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, chúng ta vẫn đứng trước nguy cơ, thách thức của đại dịch COVID-19 dẫn tới lạm phát tăng cao, nền kinh tế thế giới đang còn khó khăn, với những thay đổi, biến đổi liên tục thất thường của các hoạt động kinh tế.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giao 4 nhiệm vụ trong tâm cho ngành chứng khoán trong năm 2022.

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, từ luật đến nghị định, chiến lược phát triển của ngành chứng khoán, các thông tư và các quy định pháp luật có liên quan để bịt các lỗ hổng, đảm bảo cho thị trường chứng khoán phát triển một cách lành mạnh, minh bạch, đúng đắn.

Thứ hai, hoàn thiện xây dựng bộ máy, sau khi thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, cần tiếp tục bố trí, sắp xếp công tác tổ chức, bộ máy một cách linh hoạt nhất, hiệu quả nhất, chất lượng nhất.

Thứ ba, xây dựng hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chuyên nghiệp để thuận lợi cho kinh doanh và thuận lợi trong công tác quản lý.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, trục lợi trên thị trường chứng khoán.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng giả tràn lan "chợ mạng"

Cuối năm là thời điểm người dân có nhu cầu mua sắm đồ đạc, vật dụng mới. Trong khi đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến tâm lý do sợ mua sắm trực tiếp thì lại là chất xúc tác mạnh để “chợ mạng” tung ra rất nhiều sản phẩm hút khách. Thế nhưng, nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười từ việc mua phải hàng không y hình qua chợ mạng khiến người tiêu dùng cần thận trọng hơn khi đặt niềm tin trong thời điểm này.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nam-2022-se-tang-cuong-xu-ly-vi-pham-truc-loi-tren-thi-truong-chung-khoan-187261.html