Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành: Động thái tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

02/07/2023 10:02

Kinhte&Xahoi Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành. Đây được coi là động thái tích cực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng vay vốn trong bối cảnh nguồn tiền của các ngân hàng thương mại dồi dào, nhưng tín dụng lại tăng trưởng thấp.

Nhìn rộng ra, việc giảm lãi suất điều hành sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, hướng đến mục tiêu quan trọng trong dài hạn là tăng trưởng kinh tế.

Tư vấn lãi suất cho khách hàng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt. Ảnh: Nguyễn Quang

Lãi suất giảm 0,5-2%/năm

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, cơ quan này giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; diễn biến lạm phát trong nước và quốc tế vẫn phức tạp. Từ tháng 3 đến tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, qua 4 lần điều hành, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu giảm 1,5%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm 2%/năm. Lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,5-1,25%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm 1,5%/năm.

Qua 4 lần điều hành, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã giảm mạnh, trong đó, lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng thương mại nhà nước kỳ hạn 1-2 tháng thấp nhất chỉ còn 3,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ từ 5%/năm và cao nhất là kỳ hạn 12-18 tháng chỉ còn 6,3%/năm. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng công bố giảm lãi suất 0,1-0,3%/năm tùy từng kỳ hạn. Mức lãi suất tiết kiệm trên 8%/năm hầu như biến mất.

Ông Đào Minh Tú cũng nhận định, về cơ bản, mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022). Lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022). Đáng lưu ý, hiện nay, thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào. Theo báo cáo mới nhất, tính đến ngày 15-6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung cho lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Đánh giá cao động thái giảm lãi suất 4 lần liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta Trần Đức Nghĩa cho rằng, doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả đều tiếp cận được vốn. Vì vậy, đây là lúc doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội lãi suất rẻ để vượt qua khó khăn, tìm thị trường, bạn hàng mới.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng. Trong ảnh: Sản xuất thiết bị tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Nhật Nam

Ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ khách hàng

Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Vietcombank đã thực hiện 2 chương trình giảm lãi suất cho vay với hơn 110.000 khách hàng hiện hữu. Hai chương trình này tác động tới hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ, khiến Vietcombank giảm lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành là cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay và cam kết thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giảm lãi suất.

Được biết, tại Vietcombank, dư nợ tín dụng mới đóng góp khoảng 40% tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, chứng tỏ nguồn vốn mới vẫn tiếp tục được bơm vào nền kinh tế. Mặc dù tín dụng nửa đầu năm 2023 không tăng mạnh như cùng kỳ năm ngoái, song lãnh đạo Vietcombank kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện trong nửa cuối năm.

Trong khi đó, theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Nguyễn Thị Phượng, tình hình tín dụng của Agribank cũng khởi sắc từ đầu tháng 5-2023. Agribank có sự linh hoạt nhất định để dòng vốn có thể đẩy nhanh hơn ra nền kinh tế.

Đại diện các ngân hàng thương mại cũng cho biết đang tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi cho vay. Cùng với đó, các ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, tập trung vốn cho các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Dòng vốn tín dụng được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và kiểm soát chặt với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước không hạ chuẩn tín dụng cho vay, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú giải thích, hạ chuẩn tín dụng đồng nghĩa với nợ xấu và mất an toàn cho tổ chức tín dụng cũng như an toàn hệ thống tài chính. Vì vậy, việc bảo đảm nguyên tắc an toàn cho hệ thống tín dụng được quy định rất rõ ràng.

"Vấn đề thiếu vốn hoặc hỗ trợ một cách tích cực hơn vốn cho các doanh nghiệp, chúng tôi đã ban hành nhiều chỉ đạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản nợ, khoản lãi đến hạn. Ngân hàng Nhà nước cũng đang xem xét các khó khăn của doanh nghiệp nhằm điều chỉnh thêm, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp cũng như tổ chức tín dụng để giải ngân, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp", ông Đào Minh Tú nói.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng. Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.


Bên cạnh đó, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Ngày 15-3, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống còn 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 7%/năm xuống còn 6%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống còn 5%/năm.

Ngày 3-4, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Từ ngày 25-5, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Từ ngày 19-6, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm. Lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm.

 Hà Linh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội tăng 0,11%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2023 trên địa bàn Hà Nội tăng 0,11% so với tháng trước và giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,22% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/ngan-hang-nha-nuoc-4-lan-giam-lai-suat-dieu-hanh-dong-thai-tich-cuc-ho-tro-doanh-nghiep-633911.html